Việt Nam 'há miệng mắc nhiều quai' trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Việt Nam 'há miệng mắc nhiều quai' trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc



Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông vào thời điểm xảy ra xung đột vào năm 2014.

Cựu giáo sư Luật của Đại học Harvard, Giáo sư Tạ Văn Tài, nói rằng Việt Nam vẫn đang né tránh đề cập đến công hàm Phạm Văn Đồng, một tài liệu mà ông cho là đã khiến Hà Nội “há miệng mắc quai” trong việc đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Theo ông, Việt Nam nên đối đầu trực diện và “rắn” hơn với Trung Quốc, không để công hàm này “làm khó” mình.

Giải thích cho nhận định trên, GS. Tạ Văn Tài nói rằng trong những phản ứng gần đây của Việt Nam trước một loạt hành động nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, Việt Nam vẫn cho thấy thái độ “né tránh” và chỉ đề cập đến vấn đề “công hàm” sau khi Trung Quốc chủ động viện dẫn công hàm này ra trước đó.

“Nó có khía cạnh mà tôi gọi là ‘há miệng mắc quai’, mà theo Luật quốc tế gọi là ‘Estopel’ (nguyên tắc không phủ nhận), tức là nguyên tắc một quốc gia đã nói ra thì không thể nói ngược lại được”, GS. Tạ Văn Tài nói với VOA.

Vì sao “né”?

Công hàm năm 1958 do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Công hòa Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Quốc vụ viện CHND Trung Hoa Chu Ân Lai, trong đó “ghi nhận và tán thành” bản tuyên bố vào ngày 4/9/1958 của chính phủ nước CHND Trung Hoa “quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.




Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc nói “Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc”.


Công hàm Phạm Văn Đồng.

Mặc dù Việt Nam cho rằng công hàm không đề cập đến Hoàng Sa (Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa), nhưng với lời “ghi nhận và tán thành” tuyên bố của Trung Quốc trong công hàm Phạm Văn Đồng, Hà Nội trong những năm qua luôn rơi vào tình trạng “lúng túng” mỗi khi Bắc Kinh nhắc đến công hàm mà nhiều người dân gọi là “bán nước” này.

“Tại vì trong công hàm đó, lời của ông Phạm Văn Đồng nói mù mờ, công nhận những điều trong công hàm của ông Chu Ân Lai. Thành ra nó có thể giải thích nước đôi, hại cho Việt Nam hoặc lợi cho Việt Nam”, GS. Tài giải thích.




Cựu chuyên gia Luật của Đại học Harvard nói Trung Quốc luôn “treo lủng lẳng” công hàm Phạm Văn Đồng như một chiếc thòng lọng trên cổ người Việt, khiến cho chính quyền Việt Nam rất “ngại” khi phải đề cập đến văn kiện này.

Theo tìm hiểu của VOA, trong những năm qua, Việt Nam không ít lần gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để phản bác Trung Quốc về công hàm Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, những việc làm trên hoàn toàn không được thông tin rộng rãi cho công chúng cũng như trên bình diện công luận quốc tế. GS. Tạ Văn Tài cho rằng ngoài các lý do đã giải thích ở trên, Hà Nội cũng có thể thấy “xấu hổ” nếu công hàm được phơi bày trước công luận.

Bên cạnh đó, theo ông, Việt Nam còn bị “lúng túng” trước Trung Quốc vì một số vụ khác.

GS. Tạ Văn Tài đơn cử:“Một chuyện lúng túng khác là sách giáo khoa hồi đó của Việt Nam in ‘Hoàng Sa – Trường Sa (Trung Quốc)’. Tàu nói Hoàng Sa, Trường Sa là trong chuỗi ngọc các hòn đảo của Trung Quốc, thì Việt Nam trong sách giáo khoa cho các em lớp 9 cũng nhắc lại câu đó của Tàu. Bản đồ là người Tàu sang làm cố vấn cho Cục Bản đồ của Việt Nam. Trên bản đồ ghi ‘Hoàng Sa (China)’, bên dưới ghi ‘Trường Sa (China)’ luôn, mà Cục Bản đồ Việt Nam cũng nghe theo mà làm. Chính mấy cái lẩm cẩm đó thành ra giống như là há miệng mắc quai”.

“Hóa giải”

Theo GS. Tạ Văn Tài, thay vì né tránh, Việt Nam nên đối phó trực diện với Trung Quốc về vấn đề công hàm và “hóa giải” nó bằng những luận cứ vững chắc.

“Có hai luận cứ mà Việt Nam có thể dùng để chống lại”, GS. Tạ Văn Tài nói.

“Thứ nhất, Hiệp định Geneve 1954 chia đất nước ra làm hai, thì đã dành quyền quản lý hành chính Hoàng Sa, Trường Sa ở nam vĩ tuyến 17 cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc, đã công nhận quyền chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc Việt Nam Cộng Hòa”.




“Chính phủ này cũng như hải quân của chính phủ này đã mạnh mẽ xác nhận chủ quyền ở các hải đảo trong biến cố Hoàng Sa 1974. Theo luật quốc tế, khi một quốc gia dùng vũ lực để chống lại sự xâm lăng của nước khác tức là đã xác nhận chủ quyền của đất nước”.

Như vậy, theo giải thích của GS. Tạ Văn Tài, ông Phạm Văn Đồng vào thời điểm đó chỉ đại diện cho chính quyền miền Bắc Việt Nam nên “không có thẩm quyền” tuyên bố gì về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

“Từ năm 1974 đến 1975, chính Việt Nam CHXHCN bây giờ cũng công nhận thực trạng 20 năm đó, và Việt Nam CHXHCN bây giờ là quốc gia kế quyền trong việc hành xử bảo vệ chủ quyền đất đai đó”, GS. Tài nói thêm.

Theo ông, sự công nhận này cũng thể hiện qua việc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu trước Quốc hội năm 2011. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Tấn Dũng nói “Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý lúc bấy giờ của chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm đó và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp”.

Ngoài ra, theo GS. Tạ Văn Tài, sự tồn tại của tình trạng “hai quốc gia” tại Việt Nam vào thời điểm đó còn được xác nhận theo định nghĩa của Công ước Montevideo, với 4 điều kiện là có dân số ổn định, có lãnh thổ xác định, có chính quyền và có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế.

Luận cứ thứ hai, theo GS. Tạ Văn Tài, công hàm Phạm Văn Đồng chỉ là một tuyên bố đơn phương (unilateral declaration), không thể xem như một hiệp ước nhượng đất đai, lãnh thổ. Theo ông, thời điểm diễn ra việc ông Phạm Văn Đồng gửi công hàm là lúc chính quyền miền Bắc đang chịu sự giúp đỡ rất lớn từ Trung Quốc, nên công hàm trên chỉ có tính chính trị-ngoại giao, nói thẳng ra là “nịnh” Trung Quốc, mà thôi.

“Ông (Phạm Văn Đồng) giữ vai trò thủ tướng (nên) ông không có quyền. Theo Hiến pháp năm 1946, việc nhượng đất đai cho nước ngoài chỉ có Chủ tịch nước Hồ Chí Minh mới có quyền ký nhượng đất, mà phải có Quốc hội phê chuẩn hiệp ước đó nữa. Còn chưa có những thủ tục đó thì không có vấn đề nhượng đất”, GS. Tài giải thích thêm.




Phải “rắn” hơn

Theo GS. Tạ Văn Tài, Việt Nam nên có tiếng nói “mạnh hơn nữa” và “công khai” luận cứ của mình về công hàm cũng như những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ tại các diễn đàn lớn quốc tế như ở Liên Hiệp Quốc và các nơi khác.

Ngoài ra, “tiếng nói mạnh” còn phải xuất phát từ những người đứng đầu nhà nước, chứ không chỉ dừng lại ở những người làm công tác ngoại giao của Việt Nam.

GS. Tạ Văn Tài nói: “Phải nói mạnh lên mới được. Còn bây giờ cấp lớn đâu dám nói. Thủ tướng đâu dám nói, chỉ sai các văn nhân nói thôi. Ngay cả Bộ trưởng Phạm Bình Minh khi ra trước Liên Hiệp Quốc, lúc nó (Trung Quốc) đang hành hạ Việt Nam, cũng chỉ nói ‘có những vấn đề bất ổn ở Biển Đông’ mà không nó đến tên nước Tàu”.

Theo GS. Tạ Văn Tài, việc tỏ thái độ cương quyết “chiến đấu tới cùng” cũng là rất cần thiết trong việc đấu tranh với Trung Quốc. Lấy ví dụ Mỹ và Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, cả hai đều tỏ cho đối phương thấy tư thế “đạn đã lên nòng” của phía mình, GS. Tạ Văn Tài cho rằng trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam cũng phải tỏ cho Trung Quốc thấy thái độ “quyết tử” nếu cần để bảo vệ chủ quyền.

“Phải dọa, phải nói trước để khỏi phải đánh nhau”, ông nói. “Phải mềm nắn rắn buông, Trung Quốc là như vậy. Đừng có mềm quá nó nắn thêm. Phải rắn lên thì nó mới buông”.

Theo GS. Tạ Văn Tài, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có một vị thế rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ và các nước khác. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần chấm dứt “nỗi sợ hãi” Trung Quốc và lên tiếng mạnh mẽ cho quyền lợi của mình.


© Khánh An
    VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad