Đảng “hoảng sợ” khi có bầu cử tự do - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Đảng “hoảng sợ” khi có bầu cử tự do



bầu cử ở Việt nam chỉ là hình thức, bởi lẽ dù có bầu ai thì cũng chỉ trong số những người mà Đảng Cộng sản đã chọn sẵn.

Ứng cử và vận động tranh cử là những hoạt động chính trị quen thuộc đối với người dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên điều này lại không xảy ra tại những quốc gia cộng sản.

Thay vì thuyết phục người dân bỏ phiếu cho mình và nhờ có lá phiếu của người dân mà Đảng chính trị ấy có thể điều hành chính phủ và quốc hội cũng hình thành từ những đại diện dân bầu.

Ở Việt nam thì truyền thống “cướp chính quyền” sau đó dùng sức mạnh để bảo vệ và duy trì chính quyền đã xuất hiện từ ngày đầu lập quốc.

Với chủ trương độc đảng cầm quyền thì ở Việt nam chỉ có cơ chế Đảng cử dân bầu chứ không có khái niệm bầu cử hay tranh cử tự do như các nước khác.

Đề xuất cho dân bầu trực tiếp và tạo cơ chế tranh cử hiện đang là ý tưởng ở Quốc hội Việt nam và dự kiến thí điểm ở Đà nẵng đang được một số người ủng hộ.




Trước thực trạng một cái ghế trống ở vị trí Chủ tịch Tp Hà nội vì chủ tịch Nguyễn Đức Chung bị bắt giam, Luật sư Ngô Ngọc Trai đưa ra ý tưởng trong một bài viết rằng Việt nam cần học theo nước Mỹ và tạo cơ chế tranh cử để người dân đươc tham gia chọn lựa người lãnh đạo cho địa phương mình. Nội dung bài viết như sau:

Lãnh đạo Việt Nam cần mạnh dạn tranh cử như ở Mỹ?

Cuộc bầu chọn tổng thống Mỹ từ lâu đã thu hút được sự quan tâm chú ý của đông đảo người dân Việt Nam. Nhiều người tranh cãi quyết liệt với nhau về đường lối tranh cử xem ai xứng đáng hơn giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden.

Hiện nay dư luận còn quan tâm tới việc bổ nhiệm chức danh chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mà vị cán bộ được dự kiến bổ nhiệm hiện đang là một bộ trưởng.


Phong cách lãnh đạo Mỹ

Tranh cử là đường lối dòng chính của nền chính trị nước Mỹ. Những ứng cử viên luôn phải đưa ra đề án tranh cử, xây dựng hình ảnh tác phong để thuyết phục cử tri bầu cho mình.

Trước kia, khi ông Obama làm tổng thống, trong các phát biểu diễn văn ông luôn truyền đi những thông điệp giá trị về phẩm chất lãnh đạo cao thượng, nước Mỹ như là người được Thánh Chúa lựa chọn để đem đến những điều tốt đẹp cho thế giới.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những phát ngôn đầy kích động của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hiện nay.

Nhưng nên nhớ ông Obama mặc dù có khả năng nhưng ông không phải là người viết các diễn văn đó, mà đó là do các thư ký được tuyển dụng trả lương.

Điều đó có nghĩa là ông Trump hiện nay hoàn toàn có thể thuê người để viết các bài diễn văn mang phong cách tương tự, nhưng ông đã không làm thế vì đường lối phong cách lãnh đạo của ông kiểu khác.

Những bài phát biểu của ông Obama với phong cách lãnh đạo truyền thống, lịch thiệp chuẩn mực, không gây mếch lòng quá đáng đối với bất kỳ ai, và trong tình trạng đó Trung Quốc đã âm thầm trỗi dậy vươn lên trong khi người Mỹ vẫn mơ màng uể oải, an nhiên tự tại với vị thế dẫn đầu của mình.




Ông Trump với phong cách kích động chính là người đánh thức nước Mỹ, ông cảnh báo về các mối nguy cơ. Trong đó nước Mỹ bị ảnh hưởng xấu bởi chính trật tự thế giới hiện tại mà các đời tổng thống Mỹ trước đó đã dày công tạo dựng.

Ông cho rằng bối cảnh thế giới nay đã khác, đòi hỏi cần xác lập lại các quy chuẩn mới, các hiệp định mới, các thỏa thuận mới.

Theo đó, phong cách của ông Trump phù hợp với mục tiêu tầm nhìn mà ông xác định được cử tri Mỹ chấp nhận, phong cách đó phù hợp với nhiệm vụ thách thức mà ông phải vượt qua.

Rất nhiều người trên thế giới trong đó có người Việt Nam, bị trói buộc về mô thức lãnh đạo cũ, không thay đổi kịp so với tình hình, khiến họ như bị phong cách của ông Trump dội một gáo nước lạnh.

Nhiều người tức giận khó hiểu vì sao người Mỹ vẫn bầu cho một người như ông Trump với đầy ngôn từ hiềm khích, họ cảm thấy như bị phản bội lại các giá trị về phong cách lãnh đạo truyền thống mà họ vốn trung thành.
Họ không ý thức rằng vấn đề mà nước Mỹ đối mặt sẽ quyết định người lãnh đạo phù hợp, và quyết định tính cách mà nhà lãnh đạo cần có.

Nếu vấn đề của nước Mỹ thực sự là mối nguy cơ từ sự trỗi dậy của Trung Quốc đã được các ứng viên nêu ra trong đường lối tranh cử, và nếu đúng là Trung Quốc đã lợi dụng hệ thống trật tự thế giới hiện tại để vươn lên, lợi dụng chính những sự chấp thuận của nước Mỹ lâu nay, thì điều cần làm là thay đổi tình trạng đó.

Phong cách lãnh đạo hiền lành ôn hòa của Obama sẽ không đảm đương được nhiệm vụ như vậy.

Một nhà lãnh đạo có khả năng đưa nước Mỹ dứt khoát thoát ra tình trạng cũ, thoát ra khỏi những trói buộc cũ, đó phải là một người có tính cách mạng mẽ, dám vượt qua những tiêu chuẩn giá trị cũ về phong cách lãnh đạo.

Hệ thống một đảng

Có một khác biệt là ở Việt Nam hệ thống chính trị được thiết lập theo hệ thống một đảng toàn trị, cho nên các vị trí lãnh đạo ví như chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ là một nhân sự được chỉ định bổ nhiệm thay vì tranh cử.




Sau vụ ông Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ chức vụ đầu tháng Tám, rồi bị khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng, từ ngày 28/08/2020, vị trí chủ tịch Hà Nội hiện đang bỏ trống

Một ứng viên duy nhất cho chức vụ chủ tịch thủ đô và chỉ có vài thông tin về một bản tiểu sử lý lịch của nhân vật, với vài dòng ngắn ngủi về các cương vị công tác trước đó, thì rất khó để dân chúng đánh giá được năng lực thực chất của người được bổ nhiệm.

Người dân thủ đô khó thể tranh luận nghiêm túc với nhau về khả năng xứng đáng của ứng viên và không có cơ hội để so sánh đánh giá giữa những người cùng có tiềm năng với nhau.

Nếu như ở Mỹ,việc lựa chọn người đứng đầu thành phố thủ đô sẽ thông qua tranh cử. Cử tri sẽ đòi hỏi phải biết được thành tích đã đạt được trong quá khứ của ứng viên là gì, anh đã làm được những gì ở cương vị nào, nguồn lực nào anh đã phát huy được để tạo lập nên công trạng mà theo đó người ta thấy anh xứng đáng với cương vị?

Tiếp theo họ cũng đòi hỏi phải được biết đề án nào anh sẽ áp dụng cho thành phố, anh có tầm nhìn phương hướng nào cho thủ đô, những công việc cụ thể nào anh dự định sẽ làm cho thủ đô, anh sẽ sử dụng các nguồn lực như nào?

Không chỉ vậy, phải có vài ba ứng viên cùng đưa ra phương án để tranh cử với nhau rồi để được bầu ra người xứng đáng nhất chứ không phải là chỉ định.

Ví như ông Bill Clinton ngày xưa, trước khi được bầu làm tổng thống Mỹ thì ông là thống đốc một bang, tương đương với chủ tịch một tỉnh ở Việt Nam.

Ông Clinton đã phải lập đề án tranh cử, tức là những công việc ông dự định sẽ làm khi trở thành thống đốc bang, cùng những nguồn lực mà ông dự định sẽ sử dụng mà qua đó người ta đánh giá là ông am hiểu công việc và kế hoạch của ông khả thi, rồi từ đó được bầu chọn trong số vài ứng viên như vậy.

Nền văn minh và trí khôn nhân loại đã suy tính nghĩ ra những phương án lựa chọn nhân sự tốt nhất, đó là dân chủ trong bầu cử, còn ở Việt Nam hệ thống làm theo lối khác.

Hệ quả chậm tiến

Điểm tích cực duy nhất của thể chế một đảng toàn trị là tạo ra được một bộ máy trung ương tập quyền mạnh, từ đó tạo ra sự thống nhất đồng nhất tương đối của các địa phương vùng miền trên cả nước.




Ở Việt Nam không xảy ra tình trạng cát cứ phân mảnh hay xung đột, đó là một lợi thế tốt cho phát triển.

Nhưng cũng chính bộ máy đó sẽ gây tác hại lớn khi chính sách sai lầm không được kiểm soát ngăn chặn, do thiếu vắng cơ chế kiểm soát đối trọng.

Có ý kiến cho rằng mọi thứ vẫn ổn chẳng vấn đề gì, cứ như lâu nay đất nước cũng vẫn đang phát triển.

Và nếu quy trình tuyển lựa không giúp tìm ra được người giỏi nhất thì cứ hài lòng với người giỏi vừa, có chăng cũng chỉ khiến đất nước phát triển chậm đi một chút thôi.

Nhưng một khi chấp nhận nền kinh tế sẽ phát triển chậm đi một chút thì tức là nguồn lực đầu tư sẽ vơi bớt đi một chút.

Theo đó hạ tầng cơ sở sẽ kém được đầu tư cải thiện đi một chút, cầu đường kém được sửa sang làm mới, bệnh viện trường học cũng chậm được giải quyết tình trạng quá tải, các em nhỏ chịu khó nhọc nhưng theo cái lối ý kiến ở trên thì người ta sẽ dễ dàng nói rằng trẻ nhỏ chúng sẽ chẳng ý thức được gì đâu.

Số người chết vì tai nạn giao thông cũng chậm giảm đi một chút, hiện nay mỗi năm khoảng một vạn người. Số người chết vì bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh truyền nhiễm khác do môi trường sống ô nhiễm, mỗi năm vài trăm nghìn người, có chăng số lượng sẽ chỉ khác đi một chút, mà người chết rồi cũng có biết được gì đâu.

Do không phải chịu trách nhiệm trước cử tri vì không qua tranh cử cho nên người ta không thấy được áp lực trách nhiệm. Những tác hại vì sự chậm tiến lạc hậu đã không được ý thức đúng mức quan trọng và nhìn ra nguyên nhân từ cơ chế bầu chọn lãnh đạo.

Và nếu không chỉ chức vụ chủ tịch thủ đô mà mọi lãnh đạo khác của hệ thống chính trị đều không tìm ra được người giỏi nhất, thì khi đó mọi thứ sẽ không còn là một chút nữa.

Với những mối nguy hiện thực là sự tụt hậu so với thế giới và chủ quyền lợi ích quốc gia dân tộc bị ảnh hưởng bởi những chính sách của Trung Quốc hiện nay, liệu các lãnh đạo Việt Nam có dám bứt phá mình ra khỏi lề lối nhận thức truyền thống cũ, hành động dũng cảm như ông Trump đã làm ở nước Mỹ, mạnh dạn áp dụng cơ chế tranh cử cho hệ thống chính trị ở Việt Nam?”

Luật sư Ngô Ngọc Trai đưa ra nhận định.


© Lan Anh (Tổng hợp)
    Thời Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad