3 nhà báo độc lập Việt Nam bị tuyên 37 năm tù giam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

3 nhà báo độc lập Việt Nam bị tuyên 37 năm tù giam


Hình chụp của TTXVN hôm 5/1/2021 ở Toà án Nhân dân TP HCM: Chủ tịch Hội Nhà báo VN Độc Lập Phạm Chí Dũng (phải), blogger - Phó chủ tịch hội Nguyễn Tường Thuỵ (trái) và Biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn (thứ ba bên trái)


Tòa án nhân dân TPHCM trưa ngày 5-1-2021 kết thúc phiên tòa sơ thẩm xử 3 lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập, đồng thời tuyên tổng cộng 37 năm tù đối với 3 nhà báo này trong đó có 1 blogger của Đài Á Châu Tự Do là ông Nguyễn Tường Thụy.


Cụ thể, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng (55 tuổi), Chủ tịch Hội bị tuyên 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy (71 tuổi), Phó Chủ tịch và Lê Hữu Minh Tuấn (32 tuổi) - Biên tập viên của Việt Nam Thời Báo cùng mức án 11 năm tù giam với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".


Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho 2 ông Dũng và Tuấn cho biết trên trang cá nhân rằng, trong phiên tòa, cả ba ông đều thừa nhận toàn bộ việc thành lập, tham gia Hội Nhà báo Độc lập, việc viết báo với mục đích cổ súy cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, dân chủ và nhân quyền là những quyền theo hiến pháp quy định. Nhưng các ông không cho rằng những hành vi ấy vi phạm pháp luật Việt Nam.



Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Miếng vào chiều ngày 5-1 nhận xét cho rằng, bản án đối với 3 ông là quá nặng. Ông nói qua điện thoại như sau:


"Đây là lần đầu tiên tòa xử ba nhà báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, mức án đối với ba ông như vậy là quá nặng.


Mức án này là quá nặng đối với những người chỉ cổ súy cho nền tự do báo chí được ghi trong điều 25 của Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận.


Vụ án này nổi bật nhất là quyền tự do báo chí bị ngăn chặn, thật ra họ không truy tố quyền lập hội của ông Dũng mà truy tố về việc viết bài của 3 bị cáo này."


Cũng theo luật sư Miếng, phần bào chữa của các luật sư bị vỡ vụn do Thẩm phán phiên tòa liên tục dừng các luật sư lại khi các ông này phân tích các biên bản Giám định tư tưởng các bài viết bị cho là chống nhà nước của các nhà báo.


Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Nguyễn Tường Thụy được tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng nhận xét:


"Tất nhiên những phiên tòa như thế này ở Việt nam chỉ là án bỏ túi và mức độ mà tòa tuyên án là quá cao. Thực tế những việc làm này không ai vi phạm hiến pháp cả, cái điều 25 của Hiến pháp là điều tự do ngôn luận, là quyền lập hội.


Thế nhưng mà người ta có cần gì đến công lý đâu, người ta cũng chả căn cứ vào luật pháp. Các bản án kiểu này ở Việt Nam chỉ là án bỏ túi thôi."


Mạng báo Pháp luật TPHCM tường thuật diễn biến phiên tòa cho biết, ông Phạm Chí Dũng thừa nhận đã thực hiện hành vi như cáo trạng truy tố nhưng cho rằng mục đích thành lập hội là để cổ xúy tự do báo chí ở Việt nam và cho rằng những hành vi của mình là không vi phạm pháp luật, không phạm tội.


Trong khi đó ông Thụy khai rằng bản thân là Phó chủ tịch của hội, phụ trách chi hội miền Bắc. Ông thừa nhận có nhận tiền và chuyển cho các hội viên, có tham gia viết bài nhưng cho rằng không tham gia vào ban biên tập hay tổ chức.


Trong khi đó, ông Lê Hữu Minh Tuấn cho rằng, tham gia hội viên Hội nhà báo độc lập để cổ súy tự do ngôn luận, những bài viết chỉ là quan điểm cá nhân. Tuấn cho rằng mình là người hỗ trợ kỹ thuật chứ không phải quản trị web như cáo trạng quy kết.



Ngoài các mức án tù, 3 nhà báo này còn bị tòa tuyên phải nộp lại số tiền nhuận bút mà Hội Nhà báo độc lập trả cho các bài viết để xung vào công quỹ. Tòa cho rằng đây là số tiền mà các bị cáo thu lợi bất chính.


Phản ứng trước bản án dành cho ba nhà báo công dân của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Emerlynne Gil, Phó Giám đốc Khu vực của Ân xá Quốc tế tuyên bố:


"Bản án này cho thấy sự coi thường của chính quyền Việt Nam đối với tự do báo chí. Nó một lần nữa đánh vào quyền tiếp cận thông tin độc lập của người dân Việt Nam.


"Sự hà khắc của bản án này vượt xa tiêu chuẩn vốn đã hà khắc của hệ thống kiểm duyệt của nhà nước, trong bối cảnh đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Việt Nam đang đến gần.


"Quyền tự do biểu đạt là nền tảng của bất cứ xã hội tự do nào và nó có tính quyết định đối với sự công nhận của tất cả các quyền con người khác. Tội của những nhà báo này đơn giản là dám thảo luận chính trị và các vấn đề được xã hội quan tâm khác.


"Bằng việc kết án những người này chỉ vì họ đã thực hiện các quyền được hiến pháp Việt Nam đảm bảo, nhà nước đã phản bội lại công lý.


"Thật đáng buồn, nhà nước Việt Nam đã mở đầu năm mới 2021 bằng bầu khí đàn áp và độc đoán vốn có. Những nhà báo này là một phần của 170 tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam, một con số đáng báo động, cho thấy sự xuống cấp trầm trọng của môi trường tự do biểu đạt ở đất nước trong những năm gần đây"
.


Đọc thêm »



© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad