Truyền đạt thông tin về virus Vũ Hán - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

Truyền đạt thông tin về virus Vũ Hán



Đại dịch đặt ra vấn đề ít ai bàn đến: đó là cách chuyển tải thông tin đến công chúng. Giới truyền thông hay nhấn mạnh đến những thông tin ‘tiêu cực’ (số ca nhiễm, tử vong) nhưng không đặt chúng trong bối cảnh, và dễ gây hiểu lầm cũng như phản ứng phi lí trí. Cái note này trình bày một hiệu ứng tâm lí có tên là ‘Hiệu ứng Trình bày’ (Framing Effect) và nghĩ đến một cách chuyển tải thông tin tích cực hơn.

Thí nghiệm tâm lí Tversky & Kahneman

Nhiều năm trước, hai nhà tâm lí học trứ danh Amos Tversky và Daniel Kahneman (sau này được giải Nobel kinh tế) làm một thí nghiệm để chỉ ra rằng cách truyền đạt thông tin về nguy cơ, rủi ro có thể thay đổi quyết định của người nhận thông tin.



Giáo sư Amos Tversky (1937 – 1996) và Daniel Kahneman (1934-). Hai người đã có những công trình nghiên cứu tâm lí học làm thay đổi nhận thức của chúng ta về cảm nhận nguy cơ và hành vi. Gs Daniel Kahneman sau này được trao giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2002.

Giáo sư Tversky và Kahneman đặt ra một tình huống giả định rằng có một trận dịch gọi là ‘Asian disease’ [1] sẽ gây tử vong cho 600 người, và để kiểm soát dịch người dân có 2 phương án:

  • Phương án 1 là điều trị A sẽ cứu sống 200 người;
  • Phương án 2 là điều trị B có xác suất cứu sống là 33% và xác suất thất bại là 67%.

Họ hỏi các tình nguyện viên trong cuộc thử nghiệm trên là chọn phương án nào.

Kết quả thật ngạc nhiên: 72% tình nguyện viên chọn Phương án 1.

Sau đó, Tversky và Kahneman làm thí nghiệm thứ hai, và họ đặt câu hỏi khác một chút:

  • Phương án 1 với điều trị A sẽ chắc chắn dẫn đến 400 ca tử vong;
  • Phương án 2 với điều trị B sẽ bảo đảm 33% không ai chết và 67% sẽ chết.

Kết quả cho thấy 78% tình nguyện viên chọn phương án 2.

Các bạn thấy gì qua 2 thí nghiệm trên? Phương án 1 và Phương án 2 là như nhau, tức là đều cứu được 200 người. Nhưng cách đặt câu hỏi / vấn đề thì khác nhau về mặt toán học. Phương án 1 được mô tả bằng con số tuyệt đối, còn phương án 2 thì dùng tỉ lệ (xác suất) hay số tương đối. Thế nhưng phản ứng của chúng ta thì khác nhau! Đó là một phản ứng … phí lí.

Trong thí nghiệm đầu, đa số (72%) chọn Phương án 1, tức là họ muốn tránh rủi ro của Phương án 2. Phương án 1 được trình bày bằng cách nói ‘cứu sống’ và con số tuyệt đối, còn Phương án 2 được trình bày bằng con số tương đối, tức bất định (xác suất 33% cứu sống KÈM THEO 67% thất bại).

Trong thí nghiệm sau, vẫn hai cách trình bày (con số tuyệt đối và con số tương đối), nhưng thay vì nói ‘cứu sống’, nhà nghiên cứu nói đến ‘tử vong’ (400 người). Đa số tình nguyện viên chọn Phương án 2 vì cách truyền đạt ‘không ai chết’. Giáo sư Tversky & Kahneman diễn giải rằng kết quả này cho thấy xu hướng chung của con người là cố tránh rủi ro khi được báo về lợi ích (cứu sống) và mất mát (chết).

‘Hiệu ứng Trình bày’

Họ gọi đó là ‘Framing Effect’, mà tôi tạm dịch là ‘Hiệu ứng trình bày’. Cách trình bày hay chuyển tải thông tin có ảnh hưởng đến hành vi, thậm chí quyết định của con người (chúng ta).

Hiểu được hiệu ứng này, giới marketing ứng dụng để … bán hàng. Họ hay dùng những cách nói như ‘saving’ (tiết kiệm’ thay vì ‘tiêu thêm’ để thu hút khách hàng. Thay vì nói thuốc giảm nguy cơ tử vong 50%, họ nói thuốc có hiệu quả tăng nguy cơ sống sóng 50% thì dễ bán hơn.



Thí nghiệm ‘Asian Disease’ trên chỉ là một tình huống giả định, không có thật. Nhưng kết quả của nó có ý nghĩa trong mùa đại dịch Vũ Hán.

Cách mà giới truyền thông (và cả giới chức y tế) đưa thông tin đến công chúng về dịch Covid-19 có thể nói là toàn tiêu cực. Những hình ảnh về hoả táng tập thể ở Ý, mồ chôn tập thể ở Ấn Độ và Nam Dương, số ca bệnh làm suy sụp hệ thống ở một thành phố nhỏ bên Ý, v.v. gây ấn tượng rất mạnh ở công chúng. Với những hình ảnh mạnh đó, trong cái nhìn của đa số (có lẽ cả người Việt), hễ nhiễm virus Vũ Hán là sẽ chết hay có nguy cơ chết rất cao.

Nhưng trong thực tế thì tỉ lệ tử vong ở những người bị nhiễm virus Vũ Hán tương đối thấp. Nhà thống kê học trứ danh David Spiegelhalter đã làm một phân tích so sánh nguy cơ tử vong từ Covid-19 và tử vong ‘bình thường’ (ý nói không có Covid-19 thì người ta vẫn chết do các bệnh khác, kể cả cúm mùa). Ông kết luận rằng tính theo tuổi, nguy cơ tử vong ở người nhiễm Covid-19 rất giống với xu hướng chung trong dân số, thậm chí thấp hơn (xem biểu đồ).

Giáo sư Spiegelhalter kết luận một cách ví von [khoa học] rằng nguy cơ bị nhiễm và tử vong từ covid-19 trong 16 tuần lúc đại dịch tương đương với dân số ‘bình thường’ tuổi 55 bị mất 5 tuần tuổi thọ [2].


So sánh giữa tỉ lệ tử vong (49 607 ca tử vong) ở Anh trong đại dịch Covid-19 từ ngày 7/3/2020 đến 26/6/2020. Xu hướng về nguy cơ tử vong ở người bị nhiễm covid-19 rất giống với, nhưng thấp hơn, nguy cơ tử vong trong dân số. Nguồn: https://www.bmj.com/content/370/bmj.m3259 Ở Mĩ có thời gian các giới chức y tế không khuyến cáo đeo khẩu trang vì chưa có chứng cớ khoa học về hiệu quả của nó. Nhưng một thời gian sau, họ khuyến cáo công chúng nên đeo khẩu trang, dù chứng cớ vẫn chưa rõ ràng. Cái khẩu trang đem lại ấn tượng cho công chúng là ai đeo khẩu trang cũng đều không bị lây nhiễm (dĩ nhiên là sai), tức là cái nhìn tích cực. Hiểu được tâm lí này, nên giới chức y tế Mĩ và nhiều nơi trên thế giới khuyến khích đeo khẩu trang.

Khuyến cáo đeo khẩu trang trong đại dịch không phải vì lí do khoa học, mà vì lí do tâm lí: Hiệu ứng Trình bày.

Đổi cách chuyển tải thông tin?

Trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, nếu theo Hiệu ứng Trình bày, chúng ta nên trình bày thông tin về nhiễm Covid-19 như thế nào đến công chúng?

Hiện nay, nhà chức trách vẫn thông báo số ca nhiễm hàng ngày cho công chúng biết. Đó là một sự minh bạch mà các chánh phủ nước ngoài vẫn hay làm.

Vấn đề là con số ca nhiễm mỗi ngày không phản ảnh đúng thực trạng. Con số ca phát hiện chỉ là bề nổi, vì còn nhiều ca chưa được phát hiện trong cộng đồng vì không có triệu chứng hay chưa đi làm xét nghiệm.

Mà, dẫu có đi làm xét nghiệm thì con số ca dương tính mỗi ngày cũng sai do kĩ thuật xét nghiệm không thể chính xác tuyệt đối. Cứ 100 ca dương tính, thì con số dương tính giả có thể lên đến 95 (người không bị nhiễm).

Tuy nhiên, công bố con số ca nhiễm có lợi điểm là thể sự hiện minh bạch của Nhà nước đối với người dân. Lợi điểm khác là công chúng biết được một chút tình hình dịch bệnh ra sao. Cái lợi thứ ba là nhà chức trách có lí do tiếp tục ‘lockdown’.

Nhưng cái bất lợi của con số đó là công chúng không biết rằng 95% các ca đó là nhẹ và có thể tự bình phục. Vì không biết con số này, nên công chúng hoang mang, và đó là cái bất lợi thứ hai. Nếu một người bình thường đọc con số (ví dụ) ‘700 ca nhiễm hôm nay’ họ sẽ chẳng làm gì được, mà chỉ thờ dài nghĩ ‘nguy rồi’, tức là gây ra tâm lí tiêu cực. Con số đó chỉ có ý nghĩa với nhà chức trách, chớ không có ý nghĩa với người dân thường.



Do đó, không phải ngẫu nhiên mà ở Úc đã có những tiếng nói về con số ca nhiễm (thật ra là dùng sai chữ) mỗi ngày vì nó vô nghĩa [3]. Ngay cả một bộ trưởng trong chánh phủ bang NSW (Úc) cũng không đồng ý với lockdown sau vài chục ca nhiễm được phát hiện. Bên Singpore, nhà chức trách cũng đã nghĩ đến kế hoạch không công bố số ca hàng ngày vì họ xác định là sẽ sống chung với con virus này lâu dài. Ở Việt Nam, những tiếng nói về vấn đề này còn ít [4].

Tôi đề nghị thay đổi cách chuyển tải thông tin đến công chúng. Vẫn thu thập số ca nhiễm hay dương tính mỗi ngày, nhưng cho mục đích nghiên cứu hơn là cho công chúng. Thay vào đó, nên ứng dụng ‘Hiệu ứng Trình bày’ qua cung cấp thông tin về số ca được tiêm vaccine mỗi ngày, tỉ lệ ca nhẹ, số người hồi phục, v.v. Những thông tin như thế có thể hỗ trợ tinh thần cho cộng đồng trong nỗ lực chống dịch.

Các nhà sản xuất vaccine biết cách ứng dụng ‘Hiệu ứng Trình bày’ nên họ nhấn mạnh đến hiệu quả ngăn ngừa bao nhiêu phần trăm ca nhiễm. Họ không nói đến con số vaccine không ngăn chận được (dù nhỏ). Họ không cho công chúng biết rằng con số ca nhiễm trong thử nghiệm lâm sàng là chỉ vài chục người. Con số 95% ngừa nhiễm thật ra không dễ hiểu đối với người dân (thậm chí bác sĩ), nhưng nó mang một thông điệp tích tích cực đến công chúng. Nhà chức trách y tế cũng nên nghĩ đến một ‘chiến lược’ trình bày thông tin tích cực hơn là tiêu cực.

   Mời xem thêm »


© GS. Nguyễn Văn Tuấn
    Tuan V. Nguyen Fahms
Chú thích:
[1] Tversky A, Kahneman D. 1981. The framing of decisions and the psychology of choice. Science, 211: 453–458.

[2] https://www.bmj.com/content/370/bmj.m3259

[3] https://www.skynews.com.au/opinion/alan-jones/everyone-is-sick-of-the-meaningless-recitation-of-coronavirus-cases-alan-jones/video/a7f1ff37d25a4d9ebc98684dfda15948

[4] Tâm thư của Bs Phạm Ngọc Thắng gởi ông Nguyễn Văn Nên khuyên không đếm số ca nhiễm và ngưng xét nghiệm đại trà:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad