Khi ra tòa, PN khai mình không lừa đảo mà số tiền 16,5 tỷ có được là do “bản thỏa thuận tình cảm”. Tình tiết này khiến tất cả mọi người bất ngờ và HĐXX buộc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tôi cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn và chính xác của tòa án.
Bộ luật TTHS 2003 không thừa nhận “quyền im lặng” của bị can bị báo, dù nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của CQĐT nhưng nếu bị can, bị cáo im lặng không khai, có thể bị xem xét là “ngoan cố, không thành khẩn” và không được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi tòa tuyên án.
Tuy nhiên, Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định bị can, bị cáo có quyền không khai báo trong bất cứ giai đoạn nào và các cơ quan thực thi pháp luật không được xem là tình tiết “ngoan cố, không thành khẩn” để không giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, nếu có. Đây là điểm rất tiến bộ mà luật sư và một số nhà nghiên cứu luật pháp đấu tranh không mệt mỏi để quyền im lặng được đưa vào luật.
Và, Hoa hậu PN đã vận dụng quyền im lặng để bảo vệ cho bản thân khi khi sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế.
Trên thực tế, hợp đồng giữa PN với ông M có hay không và PN có phạm tội không, hãy chờ kết quả điều tra. Tuy nhiên, trong trường hợp này, luật sư bào chữa cho PN có cơ sở bảo vệ cho thân chủ mình theo quy định pháp luật.
ĐÔI LỜI CHIA SẺ:
1) Trong một số vụ án mà bản thân tôi tham gia, lúc chưa có luật sư, nghi can khai toàn bộ, trong đó có những lời khai do bị đánh đập, mớm cung hoặc không hiểu biết mà ký vào. Đây là điều hết sức bất lợi cho chính người đó và thực tế khi ra tòa, dù luật sư chứng minh lời khai của bị cáo trong giai đoạn điều tra không thể xem là chứng cứ buộc tội vì có quá nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, ít khi HĐXX chấp thuận cho điều đó bởi, tòa sẽ hỏi, bị cáo có chứng cứ chứng minh bị đánh đập, bị mớm cung hay không ? Lúc này bị cáo và luật sư chỉ biết lắc đầu….
2) Nếu một ai đó hoặc người thân mình bị bắt và bản thân thấy bị oan. Cách tốt nhất là “im lặng và không khai gì” đồng thời, ngay lập tức hãy nhờ luật sư bảo vệ. Lúc này, luật sư có quyền tham gia từ giai đoạn điều tra và, khi hỏi cung, CQĐT buộc phải mời luật sư. Nếu CQĐT không mời luật sư thì, bản cung không có chữ ký của luật sư sẽ “vô giá trị” và không thể là chứng cứ buộc tội bị cáo.
3) Tuy nhiên, với tình trạng pháp lý hiện nay, không phải trong mọi trường hợp, người bị bắt cứ im lặng tuyệt đối là cách tốt nhất. Nếu hành vi đã rõ ràng thì nên khai báo nhưng, cần hết sức thận trọng, phải đọc kỹ bản hỏi cung trước khi ký vì “bút sa gà chết”. Ngoài ra, nếu không chắc mình khai tình tiết với CQĐT như vậy là có lợi hay bất lợi, nên nhờ luật sư và hãy khai khi có sự tham gia của luật sư.
4) Dù bị bắt nhưng nghi can vẫn có những quyền mà luật pháp đã quy định rõ, nếu bị đánh đập hoặc thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, hãy đề nghị cung cấp giấy, bút để viết yêu cầu gửi cho giám thị trại giam hoặc gửi cho người thân bên ngoài giúp đỡ.
5) Ngoài ra, tâm lý của người Việt Nam thường tự làm và không có thói quen nhờ luật sư ngay từ đầu để tư vấn các công việc có liên quan đến luật pháp cho đến khi xảy ra chuyện mới thuê dẫn đến hệ quả xấu. Đây là điều quá đáng tiếc.
*****************
P/s: Luật sư là một nhánh góp phần tìm sự thật và lẽ công bằng. Bài viết này không cổ súy cho bị can, bị cáo sử dụng quyền im lặng nhằm gây khó dễ cho các cơ quan Nhà nước khác.
Mỗi người dân và doanh nghiệp hãy luôn biết để tự bảo vệ mình. Cố gắng tìm hiểu và chọn cho mình một luật sư nào đó uy tín và chuyên nghiệp, khi có chuyện thì nhờ giúp đỡ bởi, cuộc sống không thể biết trước được điều gì.
Sài Gòn, ngày 24/09/2016
LS Lê Ngọc Luân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét