Gramsci (2014, p. 230) định nghĩa xã hội dân sự (thuộc phạm vi tư nhân) và xã hội chính trị (thuộc phạm vi nhà nước) như «hai tầng lớn trong cấu trúc thượng tầng» thực hiện chức năng bá quyền lên toàn bộ xã hội - sự bá quyền này dựa trên sự chỉ đạo mang tính đạo đức và trí tuệ chứ không dựa trên sự cưỡng chế, thông qua sự liên minh của nhóm lãnh đạo với những nhóm thứ yếu thuộc xã hội dân sự. Trí thức, trong vai trò của nhóm thứ yếu, là những người được nhóm lãnh đạo ủy thác để thực hiện chức năng bá quyền về xã hội và chính trị, cụ thể là chức năng tổ chức, kết nối và định hướng đám đông quần chúng xung quanh «một thỏa thuận mang tính lịch sử về uy tín của nhóm lãnh đạo» (như trên). Theo cách tiếp cận này, xã hội dân sự không phải là lực lượng từ dưới lên như đã được mô tả trong các lý thuyết về grassroots democracy hay là everyday politics (Kerkvliet, 2005), theo đó đã vạch rõ ranh giới giữa Nhà nước và xã hội dân sự. Xã hội dân sự, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chỉ có thể thực sự vận hành được khi mà ranh giới này trở nên thông thoáng và hoán đổi được, với điều kiện là xã hội dân sự phải chia sẻ tối thiểu một sự đồng thuận với nhóm lãnh đạo.
Kinh nghiệm quá khứ đã chỉ ra vai trò không thể chối cãi được của giới trí thức trong các phong trào phản kháng chính trị và xã hội ở Việt Nam (Boudarel, 1991). Nhưng phải đợi đến khi có Internet thì tiếng nói của họ mới được lắng nghe và khi đó họ mới có thể thực hiện được chức năng bá quyền lên toàn thể xã hội. Vào thời công nghệ số, người dân không còn ẩn náu sau những phát ngôn của những tổ chức quần chúng nữa. Sự hiện hữu của họ trên Internet cũng không chỉ giới hạn ở bề ngoài. Nó góp phần vào sự tái cơ cấu sâu sắc các không gian công cộng/công chúng (cả mainstream lẫn thứ yếu) cũng như mối quan hệ giữa các không gian này với quyền lực. Những không gian ảo phơi bày cũng nhiều như che giấu những xung đột xã hội chính trị. Chúng trở thành những mặt trận nơi đối đầu những nhóm xã hội với Nhà nước, cũng như những phe cánh trong nội bộ Đảng-Nhà nước chống đối lẫn nhau dưới vỏ bọc phản biện xã hội. Cách tiếp cận theo quan điểm của Gramsci cho phép kiểm chứng sự chồng chéo phức tạp giữa Đảng-Nhà nước và xã hội dân sự.
Truyền thông số, với vai trò là mặt trận của hành động tập thể, cũng đóng góp vào sự tái cơ cấu thể chế chuyên quyền ở Việt Nam, một thể chế mà những chiến lược xử lý khủng hoảng đã liên tục thay đổi để đối phó với những thách thức mới do xã hội dân sự đặt ra. Phát ngôn yêu nước (trở thành dân tộc chủ nghĩa trong hình thái cực đoan) có một tác động mạnh mẽ đến các phong trào phản kháng cũng như những tranh luận tại Quốc hội. Phát ngôn này đóng vai trò nền tảng cho sự đồng thuận bá quyền có thể buộc giới quyền lực phải đối thoại với những nhà hoạt động của xã hội dân sự, bởi lẽ chính Đảng và Nhà nước là những người đã khơi dậy và cổ vũ giá trị này trong những thập kỷ gần đây (Jammes và Sorrentino, 2015). Trong bài viết này, tôi sẽ nghiên cứu hai phong trào bùng phát vào tháng 6/2018 chống lại hai dự luật : Đặc khu kinh tế và An ninh mạng.
Sự hóa thân của những công cụ kiểm soát chuyên chế
Internet đã làm lung lay những công cụ chuyên chế mà sự hóa thân liên tục buộc chúng ta phải định nghĩa lại bản chất của chúng. Những nhà quan sát lưu ý tính chất mềm dẻo, đôi khi không thể giải mã được, của thể chế chuyên quyền ở Việt nam, thể hiện trong sự phối hợp một cách độc đoán giữa cứng rắn và mềm mỏng (London 2014).
Một mặt, nó duy trì cấu trúc kiểm soát và cưỡng chế dựa trên 4 cơ quan chủ chốt đó là Bộ Công an, Lực lượng vũ trang nhân dân, Tổng cục 2 (tổng cục tình báo, thuộc Bộ quốc phòng) và Bộ Văn hóa và Thông tin (Thayer, 2014). Từ năm 2009, đối tượng tấn công chính là các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến trên Internet. Các phát ngôn trên mạng bị giám sát bởi Luật Báo chí và vô vàn văn kiện của Đảng và Nhà nước (Đỗ, 2015). Chúng cũng chịu sự kiểm soát của Luật Hình sự với những điều quy định tội như là «Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam» (điều 88), hay là «Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân» (điều 258). Các công cụ kiểm soát chuyên chế sử dụng những hình thức đàn áp cả thể xác lẫn tâm lý, cả chính thức lẫn phi chính thức (ví dụ như dùng «cảnh sát du côn» và những «dư luận viên», tức là những cảnh sát giả danh trên Internet, nhất là trên các tài khoản Facebook trá hình, Abuza, 2015). Cần nhắc lại là năm 2018, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 175 trên 180 quốc gia trong bảng xếp hạng toàn cầu về tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không biên giới.
Mặt khác, nó biểu lộ một sự mềm mỏng nhất định và một sự khoan dung đối với các phong trào phản kháng không ngừng phát triển trong những năm trở lại đây : phong trào Kiến nghị 72 phản đối Dự thảo sửa đổi và bổ sung Hiến pháp 1992 trong năm 2013, những cuộc biểu tình phản đổi việc hạ đặt dàn khoan dầu của Trung quốc trong năm 2014 (Nguyen-Pochan 2018a), những cuộc biểu tình phản đối việc chặt cây xanh ở Hà Nội năm 2015, hay phản đối công ty của Đài Loan Formosa đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong năm 2016, etc. Đồng thời, rất nhiều tổ chức độc lập tự xưng cũng xuất hiện và đòi quyền tự do ngôn luận.
Dưới áp lực của những phong trào xã hội, Đảng-Nhà nước không thể giữ mãi sự thờ ơ. Họ đã khoan dung – điều đó không có nghĩa là cho phép – nhiều cuộc biểu tình trên đường phố; xin lỗi, sửa sai hay hoãn lại một số quyết định không được lòng dân. Chính quyền đôi khi cũng nhượng bộ dư luận, ví dụ như trường hợp bắt giữ Đoàn Văn Vươn, nông dân nuôi tôm ở Tiên Lãng (Hải Phòng), vì anh ta đã phản kháng có vũ khí chống lại việc cưỡng chế thu hồi đất trong năm 2012. Việc một số báo đài chính thống trích dẫn những tiếng nói phản kháng cũng cho thấy một thái độ mới mẻ của chế độ, chẳng hạn như việc nêu lên những quan điểm của nhóm Kiến nghị 72 trong cuộc vận động sửa đổi Hiến pháp 1992 năm 2013 (Nguyen-Pochan 2018b). Tính cấp thiết của Luật biểu tình và Luật về thành lập Hội trở đi trở lại thường xuyên trong những thảo luận tại Quốc hội cũng như trong những phát ngôn của các lãnh đạo.
Hiện nay, xu thế đa nguyên và phe nhóm trong lòng Đảng-Nhà nước càng làm phức tạp thêm việc sử dụng các công cụ kiểm soát bởi lẽ các cơ quan có chức năng đàn áp lại nằm trong tay chính các lãnh đạo dính líu vào đấu tranh nội bộ (Thayer, 2014, p.135). Năm 2012, những hé lộ của các trang Quan làm báo và Chân dung quyền lực về các vụ tham nhũng của các lãnh đạo chính phủ cấp cao đã làm rúng động công luận. Internet đã cho thấy sự đối đầu nội bộ ngay trước ngưỡng của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 của Đảng CSVN (tháng 1/2016). Sự đồng lõa âm thầm giữa giới chính trị với những thành phần đa tạp của xã hội dân sự là một trong những lý do lý giải sự đối xử tùy tiện và không thể dự đoán trước được của giới cầm quyền với các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động. Thể chế chuyên chế mập mờ hiện nay đã được định danh bởi Koh (2001) như là thể chế chuyên chế đa nguyên.
Tái cơ cấu không gian công cộng
Truyền thông số đã cho ra đời một cộng đồng những nhân vật có khả năng tạo sinh khí và thúc đẩy những tranh luận tập thể. Nó làm xuất hiện một công chúng phức tạp, được hình thành từ những cá nhân và nhóm xã hội khác biệt và đa dạng, mang những đặc thù về căn cước, lối biểu đạt, tính nhạy cảm cũng như những yêu sách hoàn toàn khác nhau.
Giữa những nhân vật mới này, cần nhấn mạnh vai trò của những nhân sĩ trí thức: tên gọi mang nặng những ý nghĩa lịch sử và văn hóa này gợi lại hình tượng trí thức chủ đạo trong nửa đầu thế kỷ XX. Sự xuất hiện trở lại của hình tượng này làm sống lại quan niệm tân nho giáo vốn coi tình yêu với tổ quốc như là đạo đức hàng đầu của một trí thức. Trong phong trào phản đối các dự án khai thác quặng bô xít năm 2009, các nhân sĩ yêu nước, những người có mối liên hệ chặt chẽ với giới quyền lực, đã biết đưa lợi ích của Đất nước lên trên như là một luận điểm chống lại những quyết định chính trị chỉ phục vụ cho lợi ích của đảng. Vị thế tinh hoa cho phép họ được hưởng một sự đối xử khoan dung hơn so với những nhà hoạt động không có liên hệ với quyền lực. Vị thế này cũng giải thích thiện cảm của công chúng dành cho họ: nhờ vào sức nặng biểu tượng đối với công luận, phát ngôn của họ thường được đánh giá là chân thành và dũng cảm bởi họ đã sẵn sàng hy sinh vị thế được ưu đãi của mình khi chọn con đường phản kháng. Trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, tiếng nói của họ bị miệt thị như là biểu hiện của “sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống” (lời của Tổng bí thư Đảng CSVN, ngày 25 tháng 2 năm 2013) do đã tiến hành “diễn biến hòa bình”, hay là sản phẩm của “tự chuyển hóa” hay “tự diễn biến” (Guillemot 2016).
Cảm hứng từ tư tưởng của Phan Chu Trinh, những trí thức phản kháng đã hành động thông qua các trang thông tin và blogs trên mạng, với mục đích không nhằm lật đổ chế độ mà nhằm mang lại kiến thức và những tranh luận chính trị đến công chúng, cũng như biểu đạt những yêu sách chính trị và đạo đức (Hoàng, 2018). Vào thời điểm này không dễ đánh giá những ảnh hưởng của họ đối với các cuộc biểu tình trên mạng hoặc trên đường phố. Con đường đấu tranh tiến bộ và ôn hòa của họ cũng không nhận được sự ủng hộ đồng tình của tất cả những nhà hoạt động và vị thế tinh hoa của họ đôi lúc đã khơi lên nỗi ngờ vực (rằng tất cả những chuyện này chỉ là sản phẩm của một âm mưu chính trị). Thế nhưng phát ngôn dân tộc chủ nghĩa mang tính đạo đức của họ đã tạo nên một âm vang không thể tranh cãi trong các phong trào phản đối Nhà nước. Phát ngôn này hun đúc một mối oán hận sâu đậm được thể hiện trong tất cả các chủ đề có liên quan tới Trung Quốc từ những năm 2000. Chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc không hề thuần nhất mà mang tính đa nguyên và đôi khi có thể được diễn giải như một chỉ trích ngầm đối với chế độ (Wells-Dang 2014). Thêm vào tính phức tạp này là những động thái xuyên quốc gia của các phong trào đấu tranh trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những người mà phát ngôn dân tộc chủ nghĩa làm sống lại nỗi đau về sự rạn vỡ dân tộc trong những cuộc chiến của thế kỷ XX (Guillemot 2004).
Giống như bất kỳ nơi đâu, công chúng khám phá và có những trải nghiệm mới mẻ trên Internet: biểu đạt sự bất bình, nghiên cứu và thảo luận về những vụ việc và vấn đề chung, đối thoại với một quyền lực cho tới giờ vẫn vô cảm và điếc đặc trước những tiếng nói của họ, thúc đẩy những hành động tập thể,... Dù sao đi nữa, ước muốn được công nhận là hoàn toàn có thật và mạnh hơn cả nỗi sợ bị trừng phạt. Có thể thấy trong sự biểu đạt độc lập của công dân những động lực mang tính tham dự và tính cá nhân: sự gắn kết có tính mở và lỏng lẻo của các cuộc vận động trên mạng, sự kết nối giữa các diễn đàn số của công chúng, sự biểu hiện của cái tôi (ethos) trên con đường kiếm tìm sự công nhận, etc. (Aubert 2014). Phương diện thử nghiệm mang tính hiện tượng luận của những diễn ngôn trên mạng giúp chúng ta quan sát được những kinh nghiệm ngay trong quá trình diễn triển mang tính lịch sử, trong sự xuất hiện mang tính sự kiện của chúng cũng như trong những hình thái nhạy cảm của quá trình tương tác xã hội.
Phản đối các dự luật trong năm 2018
Vào tháng 6 và 7 năm 2018 đã diễn ra những cuộc tranh luận dữ dội xung quanh hai dự luật: dự luật cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất trong thời hạn 99 năm tại 3 khu đặc quyền kinh tế; và dự luật nhằm kiểm soát những biểu đạt của công dân trên các mạng xã hội. Những dự luật này đã được trình lên kỳ họp thứ 4 của quốc hội (khóa 13) vào ngày 22 tháng 5 năm 2018.
Do chạm thẳng vào sự căm ghét của người Việt Nam đối với Trung Quốc, dự luật đầu tiên đã gây ra những tiếng la ó tức thì: trong mắt người Việt Nam, các nhà đầu tư Trung quốc sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi từ những đặc khu kinh tế chiến lược này. Sự phản đối đạt tới đỉnh điểm vào ngày 10 tháng 6 năm 2018 với những cuộc biểu tình đông người tại tất cả các thành phố lớn, trong đó cuộc biểu tình tại Bình Thuận đã biến thành một cuộc bạo loạn và đối đầu bạo lực với các lực lượng cảnh sát. Khẩu hiệu của những người biểu tình là: “không giao đất cho Trung Quốc, dù chỉ 1 ngày”. Dự luật thứ hai thu hút chủ yếu sự chú ý của người sử dụng Internet và những nhà hoạt động trên Internet. Nhà báo blogger Huy Đức gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hậu quả nặng nề của bộ luật này đối với tự do ngôn luận của công dân bởi lẽ công an từ nay có thể kiểm soát toàn bộ các không gian ảo. Trên trang Việt Nam Thời báo, nhà báo Ái Liên đặt ra câu hỏi liệu có phải chính phủ đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận về phía dự luật thứ nhất để “dọn đường cho sự thông qua êm thấm của Luật an ninh mạng” .
Đảng-Nhà nước tuyên bố hết sức quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân bằng cách đẩy lùi thảo luận về dự luật đầu tiên vào kỳ họp thứ 6 của quốc hội vào tháng 10 năm 2018. Ngược lại, luật an ninh mạng đã được quốc hội thông qua vào ngày 12 tháng 6 năm 2018, với 86% số phiếu tán thành; nó sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019. Trên đường phố, chính quyền không ngần ngại trấn áp và bắt giữ những người biểu tình, trong đó có cả một sinh viên người Mỹ gốc Việt, trong những ngày trước khi dự luật được thông qua. Chính quyền tố cáo những lực lượng chống đối và lật đổ đang tiến hành những hoạt động gây tổn hại đến an ninh quốc gia và tình đoàn kết hữu nghị với Trung Quốc.
Những cuộc thảo luận trên mạng đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của dự luật thứ nhất (chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, sự can thiệp của Đảng vào những công việc của Nhà nước, chế độ công an trị, quyền được biểu đạt,...). Chúng chia sẻ thái độ cảnh giác cao độ và thù địch với Trung Quốc và sự giận dữ đối với Đảng và Nhà nước vì đã thông đồng với Trung Quốc và phản bội tổ quốc. Những chỉ trích dành cho dự luật thứ 2 cũng cùng một luận điểm: đặt lợi ích của Đảng lên lợi ích của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã sao chép nguyên vẹn luật an ninh mạng của Trung Quốc (được thông qua vào năm 2016) để trấn áp công dân. Một số tác giả khẳng định mối liên hệ rõ ràng giữa hai dự luật, với mục đích xét cho đến cùng là để phục vụ lợi ích của Trung Quốc.
Những bình luận và video lưu hành trên mạng đã chia sẻ những tình cảm chung xung quanh những giai thoại ấn tượng trong giai đoạn nóng bỏng này: sự khinh thường dành cho một số quan chức bất tài hay là sự thỏa mãn khi nghe những lời chửi rủa của một người phụ nữ dành cho một công an giả danh thường dân – những công dân mạng đã ca ngợi và nâng chúng lên thành một nghệ thuật chửi của giới bình dân chống lại áp bức cường quyền.
Những biến động gần đây thêm một lần nữa đã cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tình cảm dân tộc chủ nghĩa đối với các phong trào phản kháng ở Việt Nam. Chúng làm cho những công cụ trấn áp chuyên chế trở nên mong manh trước những cuộc biểu tình trên mạng và trên đường phố. Trong một “Nhà nước pháp luật không có pháp quyền” (Cabestan 1996), luật được chế tạo nhưng cũng có thể được sửa đổi bởi giới quyền lực tùy theo diễn biến của tình hình chính trị. Một số công dân mạng tự hỏi những mâu thuẫn nội bộ trong giới quyền lực sẽ tiến triển như thế nào khi mà luật an ninh mạng trao toàn bộ quyền kiểm soát vào tay công an? Internet đã khiến cho thể chế chuyên quyền khó dự đoán hơn bao giờ hết. Nhưng chính quyền cũng không có cách nào khác là phải hợp thành với những thách thức của thời đại số thông qua sự chuyển hóa không ngừng những hình thái và công cụ kiểm soát.
Thi Thanh Phuong Nguyen-Pochan
tác giả và lược dịch
BXVN
Nguồn gốc: Thi Thanh Phuong Nguyen-Pochan, Internet et le mouvement contestataire au Vietnam | CAIN.INFO
Tài liệu tham khảo
Abuza, Z., Stifling the Public Sphere. Media and Civil Society in Vietnam, Washington, National Endowment for Democracy, 14 oct. 2015.
Aubert, A., « Participer à l’actualité. Quel sens pour l’engagement collaboratif ? », in Denouël, J., Granjon, F. et Aubert, A. (dir.), Médias numériques et participation. Entre engagement citoyen et production de soi, Paris, Mare & Martin, 2014, p. 121-166.
Boudarel, G., Cent fleurs éclosent dans la nuit du Vietnam : communisme et dissidence, 1954-1956, Paris, Bertoin, 1991.
Cabestan, J.-P., « Chine : un État de lois sans État de droit », Tiers-Monde, no 147, 1996, p. 649-668.
Đỗ Quý Doãn, Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam, nxb. Thông tin và truyền thông, 2015.
Guillemot, F., « Vietnam : révolution en devenir, langage totalitaire : questions sans réponse », Indomémoires, 16 mars 2016 : <www.indomemoires.hypotheses.org/22007>
Guillemot, F., « Au cœur de la fracture vietnamienne : l’élimination de l’opposition nationaliste et anticolonialiste dans le Nord du Vietnam (1945-1946) », in Goschan C. et Tréglodé, B. (de) (dir.), Naissance d’un État-Parti. Le Vietnam depuis 1945, Paris, Les Indes savantes, 2004, p. 175-216.
Gramsci, A., Textes choisis, établis par A. Tosel, Paris, Le temps des cerises, 2014.
Hoàng Hưng, « Truyền thông mạng và sự hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam (Trải nghiệm của một người trong cuộc) », Bauxite Vietnam, 22 juil. 2018 : <www.boxitvn.net/bai/55865>,
Jammes, J. et Sorrentino, P., « Géopolitique des religions au Vietnam. Les voies multipolaires d’une société civile confessionnelle », Hérodote, no 157, 2015, p. 112-125.
Kerkvliet, B. J. T., The Power of Everyday Politics : How Vietnamese Peasants Transformed National Policy, Ithaca, Cornell Press, 2005.
Kerkvliet, B. J. T., « Government Repression and Toleration of Dissidents in Contemporary Vietnam », in London, J. D. (dir.), Politics in Contemporary Vietnam. Party, State and Authority Relations, Londres, Palgrave Macmillan, 2014, p. 100-134.
Koh, D., « The Politics of A Divided Party and Parkinson’s State in Viêt Nam », Contemporary Southeast Asia, no 3, 2001, p. 234-235.
London, J., « Politics in Contemporary Vietnam », in London, J. D. (dir.), Politics in Contemporary Vietnam. Party, State and Authority Relations, Londres, Palgrave Macmillan, 2014, p. 1-20.
Marston, H., « Bauxite Mining in Vietnam’s Central Highlands : An Arena for Expanding Civil Society ? », Contemporary Southeast Asia, no 2, 2012, p. 173-196.
Nguyen-Pochan, T. T. P., « La construction de sens de l’événement par le JT vietnamien. Le cas des manifestations ouvrières anti-chinoises », Études de communication, no 51, 2018a.
Nguyen-Pochan, T. T. P., « La médiatisation de la voix marginale dans l’espace public vietnamien. La campagne pour le projet de modification de la Constitution de 1992 », Moussons, no 32, 2018b.
Thayer, C. A., « Vietnam and the Challenge of Political Civil Society », Contemporary Southeast Asia, no 1, 2009, p. 1-27.
Thayer, C. A., « The Apparatus of Authoritarian Rule in Vietnam », in London, J. D. (dir.), Politics in Contemporary Vietnam. Party, State and Authority Relations, Londres, Palgrave Macmillan, 2014, p. 135-161.
Wells-Dang, A., « The Political Influence of Civil Society in Vietnam », in London, J. D. (dir.), Politics in Contemporary Vietnam. Party, State and Authority Relations, Londres, Palgrave Macmillan, 2014, p. 162-183.
Tài liệu tham khảo
Abuza, Z., Stifling the Public Sphere. Media and Civil Society in Vietnam, Washington, National Endowment for Democracy, 14 oct. 2015.
Aubert, A., « Participer à l’actualité. Quel sens pour l’engagement collaboratif ? », in Denouël, J., Granjon, F. et Aubert, A. (dir.), Médias numériques et participation. Entre engagement citoyen et production de soi, Paris, Mare & Martin, 2014, p. 121-166.
Boudarel, G., Cent fleurs éclosent dans la nuit du Vietnam : communisme et dissidence, 1954-1956, Paris, Bertoin, 1991.
Cabestan, J.-P., « Chine : un État de lois sans État de droit », Tiers-Monde, no 147, 1996, p. 649-668.
Đỗ Quý Doãn, Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam, nxb. Thông tin và truyền thông, 2015.
Guillemot, F., « Vietnam : révolution en devenir, langage totalitaire : questions sans réponse », Indomémoires, 16 mars 2016 : <www.indomemoires.hypotheses.org/22007>
Guillemot, F., « Au cœur de la fracture vietnamienne : l’élimination de l’opposition nationaliste et anticolonialiste dans le Nord du Vietnam (1945-1946) », in Goschan C. et Tréglodé, B. (de) (dir.), Naissance d’un État-Parti. Le Vietnam depuis 1945, Paris, Les Indes savantes, 2004, p. 175-216.
Gramsci, A., Textes choisis, établis par A. Tosel, Paris, Le temps des cerises, 2014.
Hoàng Hưng, « Truyền thông mạng và sự hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam (Trải nghiệm của một người trong cuộc) », Bauxite Vietnam, 22 juil. 2018 : <www.boxitvn.net/bai/55865>,
Jammes, J. et Sorrentino, P., « Géopolitique des religions au Vietnam. Les voies multipolaires d’une société civile confessionnelle », Hérodote, no 157, 2015, p. 112-125.
Kerkvliet, B. J. T., The Power of Everyday Politics : How Vietnamese Peasants Transformed National Policy, Ithaca, Cornell Press, 2005.
Kerkvliet, B. J. T., « Government Repression and Toleration of Dissidents in Contemporary Vietnam », in London, J. D. (dir.), Politics in Contemporary Vietnam. Party, State and Authority Relations, Londres, Palgrave Macmillan, 2014, p. 100-134.
Koh, D., « The Politics of A Divided Party and Parkinson’s State in Viêt Nam », Contemporary Southeast Asia, no 3, 2001, p. 234-235.
London, J., « Politics in Contemporary Vietnam », in London, J. D. (dir.), Politics in Contemporary Vietnam. Party, State and Authority Relations, Londres, Palgrave Macmillan, 2014, p. 1-20.
Marston, H., « Bauxite Mining in Vietnam’s Central Highlands : An Arena for Expanding Civil Society ? », Contemporary Southeast Asia, no 2, 2012, p. 173-196.
Nguyen-Pochan, T. T. P., « La construction de sens de l’événement par le JT vietnamien. Le cas des manifestations ouvrières anti-chinoises », Études de communication, no 51, 2018a.
Nguyen-Pochan, T. T. P., « La médiatisation de la voix marginale dans l’espace public vietnamien. La campagne pour le projet de modification de la Constitution de 1992 », Moussons, no 32, 2018b.
Thayer, C. A., « Vietnam and the Challenge of Political Civil Society », Contemporary Southeast Asia, no 1, 2009, p. 1-27.
Thayer, C. A., « The Apparatus of Authoritarian Rule in Vietnam », in London, J. D. (dir.), Politics in Contemporary Vietnam. Party, State and Authority Relations, Londres, Palgrave Macmillan, 2014, p. 135-161.
Wells-Dang, A., « The Political Influence of Civil Society in Vietnam », in London, J. D. (dir.), Politics in Contemporary Vietnam. Party, State and Authority Relations, Londres, Palgrave Macmillan, 2014, p. 162-183.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét