Báo Thanh Niên giật tít “Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai làm theo ‘tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng’”.
Nhưng “tinh thần chỉ đạo” và “chỉ đạo” hẳn là khác nhau. Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh trích cáo trạng nêu Văn phòng Chính phủ có công văn số 2678 ra ngày 14/12/2015 mà theo đó ông Dũng “chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ TT&TT [Thông tin và Truyền thông] thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật”.
Cáo trạng cũng nói “đây không phải là quyết định chủ trương đầu tư” mà chỉ là thông báo. Hơn nữa thông báo cũng nói việc mua cổ phần phải làm “theo đúng quy định của pháp luật”. Nếu Mobifone mua AVG theo đúng giá trị trên sổ sách và thị trường thì đã không có vụ án này.
Như vậy hiện tại khó có thể kéo ông Nguyễn Tấn Dũng vào vụ làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, mà trên thực tế đã được cựu lãnh đạo AVG, ông Phạm Nhật Vũ, em trai người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, hoàn toàn khắc phục hậu quả. Cho tới giờ phút này nhà nước không còn thiệt hại tỷ nào nữa mà “thiệt hại” cả ngàn tỷ đồng giờ dồn về gia đình ông Vũ, theo lời vợ ông.
Những lời khai của ông Son về ông Nguyễn Tấn Dũng từ nay về sau về lý thuyết cũng kém thuyết phục vì tính bất nhất trong những lời khai trong mấy ngày đầu xử án. Lúc ông bác bỏ chuyện nhận ba triệu đô tiền hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, lúc lại thừa nhận đã nhận tiền. Ông Son lúc đầu cũng khai ông đưa ba triệu đô cho con gái, sau lại nói không phải đưa con gái mà “chi tiêu cá nhân”. Còn tiêu ba triệu đô vào những việc gì thì ông lại “không nhớ”.
Điều có lẽ ít gây tranh cãi hơn là chỉ một ngày sau khi nhận được “tinh thần chỉ đạo” của ông Dũng, ông Son đã lệnh cho cấp dưới phải thực hiện ngay việc mua AVG với giá 8.900 tỷ đồng trong năm tài chính 2015 để rồi 10 ngày sau việc mua bán đã được thực hiện xong vào đúng ngày Giáng Sinh.
Phi vụ mua AVG với giá trên trời để các quan chức được lại quả hơn 140 tỷ đồng, con số có thể nói là khá khiêm tốn so với giá trị hợp đồng, diễn ra chưa đầy một tháng trước Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam mà tại đó ông Nguyễn Tấn Dũng đã không thể trở thành tổng bí thư như mong muốn. Cú ngã trên chính trường của ông Dũng kéo theo một loạt các hệ luỵ trong đó có vụ AVG hiện nay, vụ dầu khí khiến uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đang ngồi tù và vụ gang thép mà uỷ viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải bị cáo buộc có vi phạm tới mức “phải xem xét kỷ luật”.
Các bị cáo trong phiên xử vi phạm về quy định đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ và nhận hối lộ đều nói họ làm theo lệnh cấp trên. Điều này khiến công chúng không thể không đặt câu hỏi họ là con nít hay những quan chức có suy nghĩ độc lập. Bài học cho các quan chức chưa bị lộ khác và các quan chức nói chung cần nhận ra là sẽ không có ai bảo vệ họ nếu họ “ăn cứt gà sáp” khi bị xui khiến. Bài học khác là đã có gan ăn hối lộ tới cả triệu đô thì cũng nên có gan nhận đã tiêu gì và khắc phục hậu quả đủ để khỏi bị tiêm thuốc độc. Giờ hẳn các bị cáo sẽ tiếc không ủng hộ việc cải cách hệ thống tư pháp bị đảng chỉ đạo vốn coi trọng những lời khai hơn những bằng chứng cụ thể. Có lẽ cựu bộ trưởng tên Son cũng hối tiếc không kêu gọi chính quyền huỷ bỏ án tử hình khi còn có chút chức quyền ngay cả khi lời kêu gọi đó có rơi vào quên lãng.
Ngoài ra, nếu nền tư pháp của Việt Nam thực sự độc lập, khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải xuất hiện tại các phiên toà tham nhũng tới đây, ngay cả trong vai trò làm chứng, là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng kể cả khi nền tư pháp không độc lập, chuyện ông có thể bị kéo vào các vụ án khác cũng không thể loại trừ. Khi các uỷ viên bộ chính trị hiện thời cảm thấy họ có thể và cần phải làm như vậy để phục vụ mục tiêu chính trị trước Đại hội 13 trong hơn một năm nữa, họ sẽ không ngần ngại gì mà không cố.
Nguyễn Hùng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét