Tử hình một con người: Có nơi đâu dễ như Việt Nam? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Tử hình một con người: Có nơi đâu dễ như Việt Nam?



Trong 17 người thẩm phán Tòa án Tối cao ngày hôm nay, có người nào sẽ đóng vai trò như Bồi thẩm số 8 không?

Cần đến những thứ gì để- nhân danh công lý và pháp luật- kết án tử hình một con người? Ở nước ta thì cần tới những thứ sau đây, theo các cơ quan bảo vệ pháp luật:

- Bằng chứng về dấu tay, DNA...: Thực ra là không cần thiết. Chuyện không có dấu tay của người bị kết án là bình thường vì chúng ta có thể giải thích là anh ta đã đi rửa tay sau khi gây án.

- Tang chứng, vật chứng, hung khí được sử dụng: Ban đầu từng có nhưng bị đánh mất, do công an sai dân phòng mang đi đốt (!), lại thêm các bà đồng nát đi qua gom hết những gì còn lại (vâng, cả chi tiết đồng nát đó cũng được các cán bộ điều tra giãi bày với Tòa). Nhưng hề gì, dao nào mà chả là dao, đâm chết người được hết. Thớt nào cũng là thớt, đập mạnh đầu thì cũng chết. Nếu thiếu tang chứng thì cơ quan điều tra sẽ sai gia đình nạn nhân ra chợ mua về là đủ ngay thôi (còn đỡ tốn kinh phí cơ quan).

- Nhân chứng: hmm, có một nhân chứng kể là nhìn thấy một thanh niên giờ đó, ngồi đó đang nghịch điện thoại. Nghi phạm cũng kể là anh ta đến bưu điện và bấm bấm điện thoại. Vậy thì đích thực nghi phạm là kẻ có mặt ở đó chứ đâu?




À nhưng hình như nhân chứng không nhận diện được nghi phạm? Gì cơ, rõ ràng thế mà ko nhận diện được thì ở nhà, đừng ra tòa nhé, chúng tôi ghi trong hồ sơ là nhân chứng nhận ra thủ phạm thế là đủ rồi. Nhân chứng này cũng từng là nghi phạm nên chỉ cần dọa vài câu là anh ta hẳn đã sợ vãi tè ra rồi, ký nháy rối rít rồi, sau này có hối nói khác đi thì cũng không còn quan trọng.

- Tang vật: các tài sản đã bị ăn cắp và đem bán. Không tìm thấy, nhưng có hề gì, vàng nào mà chả là vàng. Thủ phạm nhận tội là đủ.

- Bằng chứng ngoại phạm của nghi phạm: Kể ra cũng hơi lấn cấn vì đoạn thời gian, nhưng có sao đâu: chúng tôi đã thực nghiệm, phái đồng chí công an hình sự chuyên săn bắt cướp, chạy xe phân khối lớn đi thực nghiệm và đồng chí ấy kêu chuyện đi như thế quá đơn giản, đồng chí ấy từng chạy xe với tốc độ còn nhanh hơn thế! *

- Lời cung mâu thuẫn: À cái này thì cơ quan điều tra có quá nhiều kinh nghiệm rồi. Điều quan trọng là bắt nghi phạm nhận tội, đánh gục tinh thần của hắn và về cái này thì đó là nghiệp vụ bí truyền của đời hỏi cung. Còn sau khi hắn nhận tội thì cứ dựng kịch bản theo vài hướng khác nhau, rồi khớp khớp lại sao cho ra một hướng khả thi và phù hợp với các bằng chứng, lời khai trong giai đoạn sau đó là phù hợp. Còn nếu có các chi tiết thủ phạm khai mâu thuẫn nhau thì cứ gọi đó là sự ngoan cố của thủ phạm, sự xảo quyệt, cố tình gây hỏa mù cho cơ quan công an...Đến bản cuối cùng khi ra tòa, "ta" bắt thủ phạm ký cam kết là không bị đánh đập, bức cung đồng thời bản cung khai này là óp phít xờ là được chứ gì. Lúc đó giấy trắng mực đen, anh đã nhận giết thì đó chính là anh chứ sao?

* Đoạn chạy xe phân khối lớn này ko có trong lời khai của điều tra viên, chỉ để châm biếm.

***

Đọc lý luận của cơ quan điều tra và của những người cho rằng Hồ Duy Hải là thủ phạm, mình thấy buồn cười quá.




Căn cứ chủ yếu mà họ đưa ra là: có thiếu sót của cơ quan điều tra nhưng các thiếu sót này không ảnh hưởng tới kết luận điều tra! Và những sự việc này việc kia đều phù hợp với lời khai của Hải, thế cho nên Hải là thủ phạm. Thế nhưng sao không đặt câu hỏi ngược lại, đó là lời khai của Hải được hiệu chỉnh sao cho phù hợp với sự việc này, việc kia.

Một lý do thứ hai thường được họ đưa là nếu không phạm tội sao Hải nhận tội? Nếu không phạm tội thì sao lại làm đơn xin ân xá trong thời gian chờ xử bắn?

Vầng, ý thứ nhất thì xin tham khảo sao Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén đều có biên bản nhận tội. Ý thứ hai, thì người hỏi hay tự đặt cho mình ở vị trí tử tù đang chờ xử bắn và việc duy nhất anh ta có thể làm để cứu mạng mình lúc đó là viết đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước thì anh ta sẽ làm gì?

Với mình, phiên giám đốc thẩm này không phải là phiên tòa minh oan cho Hồ Duy Hải. Chúng ta không thể khẳng định là anh ta bị kết án oan- theo nghĩa là anh ta không phạm tội. Nhưng cũng đồng thời, chắc chắn là anh ta đã bị kết án oan theo nghĩa là anh ta bị kết án bởi những kẻ coi mạng người như cỏ rác, vô trách nhiệm, ham thành tích, chà đạp lên các nguyên tắc pháp lý cần có để bảo vệ người vô tội. Và càng có ít hy vọng là có thể tìm ra được thủ phạm thực sự cho cái chết của hai cô gái- kẻ đó có thể là Hải mà cũng có thể là không phải Hải- khi mà thời gian và sự ngu dốt của các cơ quan điều tra và xét xử ở tỉnh Long An đã làm cho điều này trở thành bất khả.

Phiên xử có kết luận trong ngày hôm nay thực chất sẽ là phiên xử cho cái gọi là sự tuân thủ tố tụng pháp luật và việc tòa án sẽ chọn cửa nào trong hai cửa hẹp: hoặc là chấp nhận tất cả những sự ngu dốt, sai lầm của các cơ quan pháp luật và coi nó là một phần tất yếu của hệ thống, dung túng cho nó bất chấp những sai sót hiển nhiên và sự cố ý làm trái; hoặc là công khai thừa nhận những sai lầm đó, xác nhận rằng nó là đủ lớn để hủy bản án được tuyên và trả tự do cho nghi phạm. Nội hàm của nó là nguyên tắc của nền tư pháp: giết nhầm hơn bỏ sót, các trọng án phải tìm cho ra kẻ sẽ bị kết án; hay là trách nhiệm của tòa án khi kết tội là chứng minh một cách thuyết phục việc phạm tội và sẵn sàng tha bổng nghi phạm nếu không có đủ căn cứ cho việc kết tội.




Có một bộ phim kinh điển rất hay của Mỹ có tên là 12 Angry Men kể về phiên xử một thanh niên bị buộc tội giết bố. Ở Mỹ, vai trò xét xử có tội hay không có tội thuộc về bồi thẩm đoàn, gồm 12 công dân được coi là có trách nhiệm của xã hội. Việc kết luận "có tội" chỉ được thực hiện khi cả 12 người này đồng ý với nhau là "có tội". Ban đầu, dường như tất cả các tình tiết ủng hộ cho việc kết luận nghi phạm có tộ và gần như tất cả 12 người này đều đồng ý với kết luận đó. Nhưng trong số 12 người có 1 người không đồng ý- bồi thẩm số 8- anh ta tin là các chứng cứ không đủ thuyết phục. Và cả bộ phim diễn ra quanh những tranh luận giữa 12 người bồi thẩm trên từng chứng cứ, lời khai. Và rồi cuối cùng, các nghi ngờ ngày một lớn khiến cho bồi thẩm đoàn không thể tuyên án là nghi phạm có tội. Dù vậy, xem tới hết phim, người xem vẫn không thể biết là nghi phạm có tội hay không? Một người vô tội được cứu sống hay là tên sát nhân đã may mắn thoát chết và được trả tự do chỉ vì tình cờ có một người bồi thẩm rách việc thích đóng vai thám tử.

Cũng phải nói thêm cơ chế bồi thẩm đoàn này không phải hoàn hảo và cũng dễ bị lợi dụng: tên trùm gangster Al Capote từng nhiều lần thoát tội do mua chuộc được bồi thẩm đoàn. Các thành viên bồi thẩm đoàn cũng là những con người bình thường với các định kiến về giai cấp, tôn giáo và sắc tộc, cũng dễ bị thao túng về mặt cảm xúc. Bồi thẩm đoàn ở các bang miền Nam nước Mỹ thời trước từng nhiều lần kết án oan những người da đen bị tình nghi phạm tội với phụ nữ da trắng (và có thể xem trong bộ phim To Kill a Mocking Bird) trong khi lại hầu như tha bổng nhiều tội ác của cảnh sát với người da đen (một việc vẫn đang diễn ra hiện nay). Nhưng nhìn chung, cơ chế này sẽ dẫn tới khả năng người vô tội sẽ được cứu sống nhiều hơn; và các cơ quan điều tra, công tố sẽ phải làm việc cẩn thận hơn để có thể buộc tội thuyết phục.

Trong 17 người thẩm phán Tòa án Tối cao ngày hôm nay, có người nào sẽ đóng vai trò như Bồi thẩm số 8 không?


© Linh Hoàng Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad