38 nghìn người biểu tình giữa đại dịch và thách thức của nền dân chủ Đức - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

38 nghìn người biểu tình giữa đại dịch và thách thức của nền dân chủ Đức



Hàng chục nghìn người đứng chật cứng trong một cuộc biểu tình chống giãn cách xã hội ở Berlin đầu tháng Tám. Ảnh: Christoph Soeder/dpa

Thành phố Berlin, 8h sáng thứ Bảy ngày 29/8.

Đường phố từ đợt “bình thường mới” chỉ lác đác bóng người, nay bỗng dưng đông dần lên.

Những người này mang theo băng-rôn với khẩu hiệu phản đối các chính sách ứng phó với COVID-19, bao gồm quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng.

10h sáng, từng dòng người đổ xuống đường. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, đường phố quanh khu vực Brandenbuger Tor (cổng thành Brandenburg – biểu tượng của thủ đô nước Đức) đã chật kín. Theo ước tính của các nhà tổ chức, có khoảng 20.000 người sẽ tham gia. Mới đêm hôm trước, lệnh cấm biểu tình mà thị trưởng thành phố vừa đưa ra đã bị toà án bác bỏ.
Một đại dịch, hai kiểu phản ứng




Nước Đức ghi nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên hồi tháng Một. Số ca nhiễm từ đó liên tục tăng lên và dần vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ngày 16/3, nhiều trường học phải đóng cửa, giãn cách xã hội trở thành “trạng thái bình thường mới”. Một tuần sau đó, lệnh phong toả (lockdown) chính thức có hiệu lực.

Ngày 15/4, lệnh phong tỏa được gia hạn tới ngày 3/5, kèm theo quy định giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m và đeo khẩu trang nơi công cộng.

Ở bên kia chiến tuyến, biểu tình lớn bắt đầu nổ ra từ đầu tháng Tám.

Ngày 1/8 đánh dấu cuộc biểu tình lớn đầu tiên. Theo báo cáo của cảnh sát, hơn 20.000 người diễu hành ở quảng trường Brandenburger Tor. Phần lớn người tham gia biểu tình không đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách 1,5m với người bên cạnh. Vào giữa tháng Tám, một cuộc biểu tình lớn tương đương xảy ra.


Hàng chục nghìn người đứng chật cứng trong một cuộc biểu tình chống giãn cách xã hội ở Berlin đầu tháng Tám. Ảnh: Christoph Soeder/dpa.

Ngày 26/8, chính quyền thành phố Berlin công bố lệnh cấm biểu tình với lý do lo ngại về sự an toàn cũng như sức khỏe của người dân. Cơ sở của lệnh cấm này hầu như không ai trong số 20.000 người biểu tình giữ đúng khoảng cách cũng như đeo khẩu trang trong các lần biểu tình trước.

Chỉ hai ngày sau, ngày 28/8, Toà án Hành chính Berlin huỷ bỏ lệnh cấm này. Ngay trong đêm đó, Toà Phúc thẩm Berlin-Brandenburg bác bỏ đơn kháng cáo của cảnh sát Berlin và công nhận bản án của tòa cấp dưới. Lệnh cấm của thành phố Berlin chính thức bị huỷ bỏ.


Hơn 3.000 cảnh sát được huy động để giữ trật tự an ninh, kiểm soát những quy định về khẩu trang cũng như giữ khoảng cách giữa những người biểu tình.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra ở đây là tại sao lại cho phép biểu tình, nhất là trong hoàn cảnh COVID-19 tràn ngập thế này? Chẳng phải đó chính là tạo điều kiện cho các nguồn lây nhiễm hoành hành, là đẩy những người dân vô tội vào chỗ chết hay sao?

Tự do biểu đạt vs. Sức khỏe cộng đồng

Mọi chuyện lại không đơn giản như thế. Nước Đức có một hệ thống pháp luật rất chặt chẽ với Luật Cơ bản (tương tự như hiến pháp) quy định rõ quyền của công dân và nghĩa vụ của nhà nước.
Một trong những quyền cơ bản được Luật Cơ bản bảo vệ là quyền được tụ tập, được biểu tình (theo Điều 8). Điều khoản này cũng quy định nhà nước có thể hạn chế quyền này nếu có lý do chính đáng được quy định trong luật.

Câu hỏi là, có thể xem nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng là lý do chính đáng để cấm biểu tình hay không?

Chính quyền thành phố Berlin nghĩ là có. Luận điểm cốt yếu để họ đưa ra lệnh cấm là nguy cơ lây lan. Những người đi biểu tình rồi chẳng may nhiễm COVID-19, hôm sau họ sẽ ra đường, sẽ tham gia vào các hoạt động xã hội và tiếp tục lây virus cho những người xung quanh. Họ hàng, hàng xóm, đồng nghiệp của những người này – họ đâu có đồng ý tham gia vào “ổ dịch”, đâu có tự nguyện bị lây? Chắc chắn không ai vừa biểu tình chống khẩu trang và giãn cách lại vừa tuân thủ đeo khẩu trang và giãn cách. Đi tham gia một cuộc biểu tình như vậy chẳng phải là tự mình biến mình thành vật chủ của virus, tự mình đẩy mình và cả những người xung quanh vào nguy hiểm. Thế chẳng phải là quá vô trách nhiệm hay sao?




Điều 28 của Luật Cơ bản quy định rõ, nước Đức là một nhà nước pháp quyền, nghĩa là mọi hành động của nhà nước bất kể ở cấp nào đều phải dựa trên một điều luật cho phép nhà nước hành động như thế.

Lệnh cấm biểu tình của Thị trưởng Berlin dựa vào điều 15.1 của Luật Tụ họp (Versammlungsgesetz). Điều luật này quy định rõ, chính quyền chỉ có thể cấm một cuộc tụ họp khi mà cuộc tụ họp ấy sẽ đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của cộng đồng.

Thành phố Berlin lý luận rằng, cơ sở để khẳng định mối nguy hiểm trực tiếp là kinh nghiệm từ những lần biểu tình hồi đầu tháng Tám. Theo đó, không một ai trong số những người biểu tình tuân thủ các quy định về khẩu trang cũng như khoảng cách tối thiểu. Ban tổ chức cuộc biểu tình đã cố ý vi phạm những quy định này, dù phía cảnh sát đã làm việc với họ để chỉ rõ những điều kiện cần phải tuân thủ.

Dù nghe có vẻ hợp lý, nhưng lập luận này không đủ sức mang lại chiến thắng cho thành phố Berlin trong cuộc chiến pháp lý này.


Người biểu tình trước toà nhà Reichstag, Berlin. Ảnh: Reuters.

Trong phán quyết được công bố ngày 28/8 , tòa án bác bỏ lệnh cấm vì hai lý do. Thứ nhất, không đủ căn cứ để xác định mối nguy hiểm trực tiếp cho sức khỏe cộng đồng. Kinh nghiệm của các cuộc biểu tình đầu tháng Tám không đủ cơ sở để thừa nhận nguy cơ của cuộc biểu tình sắp diễn ra.

Thứ hai, đánh giá của cảnh sát với người biểu tình là không đầy đủ. Những người biểu tình đã có biện pháp giữ gìn vệ sinh và đã lập 100 đội phản ứng nhanh chống biểu tình leo thang. Vì thế, cuộc biểu tình ngày 29/8 vẫn có thể diễn ra mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, nếu như yêu cầu người biểu tình tuân thủ thêm một số quy định an toàn nữa. Những luận điểm này của Toà án Hành chính Berlin cũng được Toà Phúc thẩm Berlin Brandenburg xác nhận. Lệnh cấm biểu tình vì vậy bị bãi bỏ.

Trong phán quyết cuối cùng, toà yêu cầu những người biểu tình di chuyển địa điểm đến một khu vực rộng hơn. Đồng thời, ban tổ chức cũng phải thường xuyên nhắc nhở qua loa phóng thanh để người biểu tình giữ cự ly tối thiểu. Toà không đưa ra yêu cầu bắt buộc người biểu tình đeo khẩu trang.




Cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn

Vụ việc này làm nổi lên cuộc tranh luận nền tảng về nguyên tắc vận hành của một nền dân chủ.

Nhà nước pháp quyền là một trong những nguyên tắc nhà nước cơ bản được ghi rõ trong Luật Cơ bản Đức. Một trong những biểu hiện cơ bản của nguyên tắc này là quyền kiểm soát của nhân dân đối với mọi hành động của nhà nước. Khi có cơ sở để nghi ngờ các biện pháp từ phía nhà nước ảnh hưởng tới quyền lợi của công dân, công dân có quyền yêu cầu tòa thẩm tra xem lệnh cấm này có đúng với pháp luật hiện hành hay không.

Trong trường hợp này thì câu trả lời là không.

Theo quan sát từ lần biểu tình trước, hoà cùng dòng người phản đối chính sách COVID-19 còn có nhiều người thuộc các nhóm cực đoan, bao gồm những Neo-Nazis (những người ủng hộ chủ nghĩa phát-xít mới).

Nếu ai đó hỏi: những kẻ này mà cũng có quyền biểu tình, có quyền gây bạo loạn để lây lan cho những người vô tội khác sao? Câu trả lời của pháp luật Đức là: Có.

Lại phải kể đến một quyền tự do cơ bản khác của người dân Đức: Tự do ngôn luận.



Trong một nền dân chủ, mọi ý kiến đều phải được bảo vệ, mọi người dân đều được phép nêu ý kiến của mình. Đó là nguyên tắc căn bản cấu thành một nền dân chủ.

Điều 79 của Luật Cơ bản nâng nguyên tắc dân chủ lên một tầm cao mới, với quy định rằng trong bất kể trường hợp nào cũng không được phép thay đổi hay huỷ bỏ nguyên tắc dân chủ (Ewigkeitsgarantie – Guarantee of eternality). Dân chủ còn có nghĩa gì khi ý kiến trái chiều không được phép nói ra, không được lắng nghe?

Đó cũng chính là lập luận chủ chốt dẫn đến việc tòa án Berlin quyết định bãi bỏ lệnh cấm biểu tình. Quyền tự do ngôn luận và tự do biểu tình được coi trọng đến mức nếu không có bằng chứng cụ thể về khả năng đe dọa sự an toàn của cộng đồng (chẳng hạn có nghi vấn đánh bom khủng bố) thì thành phố Berlin phải để yên cho biểu tình diễn ra. Những quan ngại về lây lan dịch bệnh có thể được xử lý bằng việc thêm một vài quy định bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Từ góc nhìn trung lập, ta thấy một mặt quan ngại của chính quyền thành phố Berlin là chính đáng. Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, việc tụ tập đến 38 nghìn người là quá rủi ro. Mặt khác, nước Đức được vận hành theo các nguyên tắc dân chủ bất di bất dịch, nhằm tạo điều kiện cho sự giám sát của người dân. Kinh nghiệm đau thương của nước Đức thế kỷ trước không cho phép người dân lãnh cảm với hoạt động chính trị.

Một quy định nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng không có nghĩa là quy định đó đương nhiên đúng pháp luật. Và khi một quy định trái pháp luật, vi phạm quyền cơ bản của công dân, thì quy định đó phải bị bãi bỏ.

Trong trường hợp này nghĩa là 38.000 người được phép xuống đường, được phép biểu tình. Nhà nước – ở đây là chính quyền thành phố Berlin – phải làm tất cả trong quyền hạn của mình để mọi người biểu tình được thực hành quyền của họ. Một mặt khác, nhà nước cũng phải bảo đảm những quy định an toàn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đó là một thử thách khó nhằn. Cái giá để có một nền dân chủ, một nhà nước pháp quyền là đây.


© Lex Fori
    Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad