Người Việt và nỗi lo ‘cơm áo’ vì Covid - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Người Việt và nỗi lo ‘cơm áo’ vì Covid



Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

Nếu lướt qua các trang web bất động sản trong những tuần gần đây, người ta sẽ thấy rất nhiều khách sạn ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM đang được rao bán ồ ạt. Giá mỗi khách sạn, tuỳ theo địa điểm và số phòng, dao động từ vài chục tỉ cho tới hơn ngàn tỉ đồng. Dịch bệnh Covid đã phủ bóng đen xuống ngành du lịch và đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh khách sạn tại các thành phố, trung tâm kinh tế trên cả nước.

Chị Nguyễn Mai Kim, một chủ kinh doanh 3 khách sạn chuyên phục vụ khách nước ngoài và Việt kiều ở Sài Gòn, cho biết kể từ sau Tết, toàn bộ hệ thống khách sạn của gia đình chị chỉ hoạt động cầm chừng. Hiện chị là một trong số ít các chủ khách sạn mở cửa hoạt động trở lại, nhưng thực tế cũng chỉ để đỡ buồn chán chứ lượng khách lui tới chưa đủ trang trải 1/3 chi phí vận hành.

“Nhà mình có 3 khách sạn nhưng giờ chỉ dám mở cửa trở lại 1 mà thôi, mà lượng khách cũng chỉ được 10% trong khi để đảm bảo chi phí vận hành thì lượng khách cũng phải 35% số phòng cơ. Nhưng chẳng lẽ đóng cửa mãi,” chị Kim chia sẻ.


Chị Kim rất lo lắng trước tình hình khó khăn dự kiến kéo dài khi mọi người tiếp tục hạn chế đi lại và bớt chi tiêu để đối phó với những khó khăn kinh tế do dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp có mối quan hệ làm việc trong lĩnh vực du lịch hiện cũng đã chuyển hướng hoạt động kinh doanh sang buôn bán, xuất khẩu các mặt hàng bảo hộ y tế chờ đợi thị trường du lịch phục hồi.

Đối với những hộ thu nhập dựa trên công việc buôn bán nhỏ lẻ thì thời điểm này và cả trong những tháng tới đây là vô cùng nguy khốn. Anh Đỗ Đình Dũng, chủ tiệm cơm bình dân ở thành phố Đà Nẵng, cho biết từ khi dịch bùng phát trở lại, gia đình anh chuyển qua phương thức giao hàng tận nhà để trang trải cuộc sống. Tuy vậy, theo anh,những tháng tới đây sẽ còn khó khăn hơn và gia đình anh sẽ không biết bấu víu vào đâu mà sống khi người lao động mất việc làm và thậm chí họ sẽ không còn có tiền để ăn cơm của gia đình anh nữa.

“Rất nhiều khách quen của mình là người lao động. Khi mình tới đưa đồ ăn hoặc họ tới đây ăn thì họ nói rằng thời gian tới đây, khi ăn hết số tiền còn lại thì bản thân họ cũng không biết làm sao nữa,” anh Dũng bày tỏ lo lắng.




Chị Đỗ Thị Liên kinh doanh thiết bị lọc nước ở Hà Nội cho biết phần lớn các cửa tiệm trên cùng con phố nhà chị hiện đã đóng cửa, treo biển cho thuê và nhượng lại mặt bằng do không làm ăn được. Gia đình 5 miệng ăn nhà chị trông cả vào việc buôn bán hàng ngày, nhưng xem ra không còn trụ được bao lâu nữa.

“Suốt cả 3 ngày không có một khách nào, đến ngày hôm kia thì có một khách. Họ vào mua một cái cút nước 10 nghìn đồng, mà vốn của mình thì đã 5.000 rồi. Còn lãi được 5.000 thì suốt mấy ngày mới được, trong đó thì điện nước vẫn phải mở, vẫn phải trả, chưa kể tiền ăn uống… Thế này thì chết đói đến nơi chứ không đùa được,” chị Liên tâm sự.

Sau gói hỗ trợ 63.000 tỉ, Việt Nam mới công bố gói hỗ trợ 90.000 tỉ trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, chị Liên nói dù gia đình chị nằm trong danh sách nhận hỗ trợ, nhưng ngóng trông tới nay vẫn chưa thấy được một đồng nào.

Có ý kiến cho rằng chính quyền nên chuyển gói hỗ trợ 90.000 tỉ sang hỗ trợ trực tiếp tiền điện, tiền nước để những gia đình nghèo có thể vượt qua cơn bĩ cực do Covid gây ra mà không phải gánh thêm những khoản nợ về điện-nước mà có lẽ họ khó có khả năng trả được.


© Nguyễn Lại
     VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad