Liệu đấu giá đất Thủ Thiêm có tái diễn trò 'hét giá cao rồi bỏ cọc'? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Liệu đấu giá đất Thủ Thiêm có tái diễn trò 'hét giá cao rồi bỏ cọc'?


Sở Tài nguyên- Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu để cho tái đấu giá bốn lô đất Thủ Thiêm bị đơn vị trúng thầu ‘bỏ cọc’. Liệu nếu đấu giá với quy trình cũ sẽ tái diễn tình trạng đấu giá cao, bỏ cọc như vừa xảy ra?
Bốn lô đất Thủ Thiêm (màu đỏ) từng được đấu giá 37.346 tỷ đồng, trong đó có lô lên đến 2,4 tỷ đồng/m2.

Phần âm thanh - Nhấp vào nút play (►) phía dưới để nghe


Ông Nguyễn Toàn Thắng- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường TP HCM khi trả lời truyền thông nhà nước hôm 9/8 cho biết cơ quan chức năng đã có chỉ đạo rà soát để xây dựng kế hoạch, lộ trình đấu giá cũng như kiểm tra trình tự, thủ tục một cách chặt chẽ, để bảo đảm các doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ đưa các khu đất đó vào sử dụng theo đúng quy định đã được phê duyệt.

Tuy nhiên ông Thắng cho biết vẫn thực hiện đấu giá theo quy trình cũ, vì các cơ quan cũng không thể làm khác khi các quy định pháp luật chưa thay đổi.

Liệu nếu đấu giá với quy trình cũ sẽ tái diễn tình trạng đấu giá cao, bỏ cọc như vừa xảy ra? Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam từ năm 2002 đến 2007, khi trả lời RFA hôm 10/8, nhận định:

“Tôi cho là giữ nguyên như vậy thì chắc chắn sẽ xảy ra tương tự như trước đây. Bởi vì với quy định như hiện nay trong Luật Đấu giá, cũng như những quy định về đấu giá trong Luật Đất đai thì chắc cũng không tránh khỏi câu chuyện mà ta đã gặp. Hiện nay cũng có nhiều đề xuất là phải thay đổi một số quy định, thế nhưng pháp luật chưa thay đổi. Tôi cho rằng TPHCM chưa nên đưa ra đấu giá tiếp, mà chờ sửa Luật Đất đai lẫn Luật Đấu giá để theo đúng tinh thần của nghị quyết 18. Tức là chỉ đưa ra đấu giá trong những trường hợp cần đấu giá, còn lại phải tìm cơ chế lựa chọn nhà thầu để thực hiện các dự án đầu tư.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, đó chính là cốt lõi mà Việt Nam cần tập trung để xem xét chỉnh sửa và khi đó đưa vào thực tế chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều. Ông Võ nhận xét thêm:

“Việt Nam có thể đang quá ham vào cơ chế đấu giá, trong khi đất đai là một yếu tố đầu vào của quá trình đầu tư phát triển. Nếu chúng ta cứ tiếp tục ham đấu giá thì sẽ dẫn khả năng đầu vào của tất cả các dự án đầu tư phát triển tăng cao, có nghĩa sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ giảm, giá hàng hóa Việt Nam sản xuất ra sẽ cao hơn giá của các nước khác. Như vậy sức cạnh tranh kém đấy là điều chúng ta phải suy nghĩ, chứ nếu cái gì cũng thích đem ra đấu giá để thu lợi trước mắt nhiều hơn, thì sẽ gặp nhiều tai hại trong tương lai.”

Tôi cho là giữ nguyên như vậy thì chắc chắn sẽ xảy ra tương tự như trước đây. Bởi vì với quy định như hiện nay trong Luật Đấu giá, cũng như những quy định về đấu giá trong Luật Đất đai thì chắc cũng không tránh khỏi câu chuyện mà ta đã gặp. -Giáo sư Đặng Hùng Võ


Hồi tháng 12 năm 2021, có bốn công ty trúng thầu đấu giá đất Thủ Thiêm với giá trúng thầu cao kỷ lục. Tuy nhiên, sau đó lần lượt các công ty đã xin rút lui, chịu mất tiền cọc. Đầu tiên là Công ty Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trúng đấu giá lô đất số 3-12 có diện tích 10.059,7 m2 - vào ngày 10/1/2022 chính thức xin bỏ cọc. Đến ngày 8/2 Công ty Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 có diện tích 5.009,1 m2 cũng xin bỏ cọc. Sau đó hai công ty còn lại Dream Republic và Sheen Mega đến ngày 6/7 là thời hạn cuối phải đóng tiền thuế đất nhưng không thực hiện nộp số tiền hơn 8.000 tỷ đồng vào ngân sách nên hợp đồng ký kết trúng đấu giá bị hủy cùng với số tiền chậm nộp, tiền đặt cọc trước đó cũng bị mất.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 10/8 cho biết ý kiến của mình:

“Theo tôi nên có các quy định ràng buộc về đấu giá đất, cũng như có một mức giá tối đa hợp lý đến mức nào đấy và quy định trách nhiệm của người tham gia đấu giá, nếu như đấu giá được đặt cọc rồi thì phải tự chịu trách nhiệm. Nếu lại thoái thác bỏ cọc tức là không thực hiện một hợp đồng dân sự, thì phải có các hình thức xem xét và xử lý. Chứ nhà nước không thể nào đấu giá đi đấu giá lại nhiều lần quanh một khu đất, theo tôi điều ấy là không hợp lý.”

Khu đô thị mới Thủ Thiêm - TPHCM. RFA PHOTO.

Trước đó, vào ngày 14/3/2022, Bộ Tư pháp đã kiến nghị chế tài nếu doanh nghiệp bỏ cọc sau vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm. Bộ này sau đó đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất sau vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm TP.HCM thời gian qua.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định cấm tham gia đấu giá đối với cá nhân, doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá do đó chưa có chế tài mạnh với doanh nghiệp bỏ cọc như trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Luật Đấu giá, cũng như những quy định về đấu giá trong Luật Đất đai vẫn chưa có gì thay đổi và TPHCM dự định lại tiếp tục đấu giá đất Thủ Thiêm với quy trình cũ.

Thực ra thì chuyện ngăn ngừa doanh nghiệp thắng đấu giá không bỏ tiền ra mua nó không khó. Chỉ cần quy định rằng doanh nghiệp thắng đấu giá nếu không tiến hành mua thì sẽ bị phạt một số tiền theo một tỉ lệ với mức giá cuối cùng của phiên đấu giá -Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ


Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA từ Na Uy hôm 10/8 qua tin nhắn, cho rằng:

“Thực ra thì chuyện ngăn ngừa doanh nghiệp thắng đấu giá không bỏ tiền ra mua nó không khó. Chỉ cần quy định rằng doanh nghiệp thắng đấu giá nếu không tiến hành mua thì sẽ bị phạt một số tiền theo một tỉ lệ với mức giá cuối cùng của phiên đấu giá. Mức giá cần cao để ngăn những hành động phá hoại, nhưng đủ vừa phải để khuyến khích các doanh nghiệp chân chính tham gia đấu giá bởi vì đôi khi vì không huy động được nguồn vốn để tiến hành thanh toán nên doanh nghiệp buộc phải bỏ. Một mức phạt có thể nằm trong khoảng 5% giá trị của mức giá cuối cùng chẳng hạn.”

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ trong lần trả lời RFA vào thời điểm các doanh nghiệp đấu giá đất Thủ Thiêm cao bất thường cho rằng, có hai vấn đề chính liên quan việc giá đất tại Việt Nam cao bất thường. Vấn đề thứ nhất theo ông Vũ, đó là người dân bị tước quyền sở hữu mảnh đất của mình thông qua cái gọi là đất đai thuộc sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước quản lý. Khi người dân mất quyền sở hữu đất thì lợi dụng kẽ hở đó, chính quyền địa phương dễ dàng đẩy họ đi và bán mảnh đất đó cho người khác nhằm kiếm lợi. Chừng nào mà vấn đề sở hữu đất và tôn trọng quyền sở hữu chưa được thực thi một cách nghiêm ngặt, chừng đó người dân còn bị mất đất và chuyện bồi thường một cách không công bằng còn diễn ra.

Vấn đề thứ hai theo ông Vũ, đó là vấn đề tư bản thân hữu cấu kết với chính quyền để nâng giá đất lên làm lũng đoạn thị trường. Việc đưa ra một mức giá lên rất cao để giành quyền mua đất một cách gián tiếp đẩy mức giá đất ở khu vực xung quanh lên cao.

Về lâu về dài, theo ông Vũ, giải pháp để bình ổn giá đất chỉ diễn ra nếu chính quyền thực thi những chính sách nhằm tăng nguồn cung diện tích nhà ở. Nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra khi mà chính quyền và các trùm đầu cơ đất không còn bắt tay nhau nhằm kiếm lợi từ đất — đó là điều không thể diễn ra trong thực tại.

   Mời xem thêm »


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad