“Chế độ toàn trị tài đức” cản trở việc ngăn chặn suy thoái của quan chức - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

“Chế độ toàn trị tài đức” cản trở việc ngăn chặn suy thoái của quan chức


Dòng chữ cổ động cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 25/1/2021

Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ

Hiện trạng suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên lãnh đạo đang là tâm điểm cải cách nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc ban hành và thực thi Nghị quyết TƯ 4 Khoá 12 năm 2016 cho thấy những người lãnh đạo cao nhất của Đảng đang tập trung quyền lực, củng cố tổ chức, sàng lọc cán bộ và đẩy mạnh thanh trừng phe phái, chống tham nhũng hòng ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái này. Tuy nhiên, bộ máy cai trị của Đảng dựa trên Chế độ toàn trị tài đức, mà tính hình thức và sự “giả tạo” của nó thịnh hành trong xã hội khiến cho mọi việc trở nên thách thức. Người dân không những chỉ mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng CS, mà còn có cảm giác họ bị cai trị bởi những quan chức kém năng lực và “hư hỏng”.

Chế độ tài đức

Chế độ tài đức, tiếng Anh là meritocracy, phản ánh một chính thể được nắm giữ bởi những người được lựa chọn dựa trên tài và đức của họ. Trong bất kỳ một nhà nước nào đều tồn tại một chế độ tài đức, không chỉ như một chỗ dựa tinh thần mà còn là sự thể hiện năng lực cai trị nhằm đạt mục đích của chính thể. Chế độ tài đức thời nào cũng có dưới các hình thức khác nhau, nhưng đều có chung đặc điểm là nắm độc quyền tiếp cận “kinh sách”, chính thức hoá quyền lực và tài sản của một nhóm người hay một tầng lớp xã hội. Họ là những người, như nhà xã hội học Max Weber (1864 – 1920) mô tả “đảm bảo cho xã hội này một hình thái hoạt động có hiệu quả là sự “thuần hóa quần chúng.”



Ở phương Tây thời Trung Cổ, giới giáo sĩ cao cấp, tầng lớp địa chủ và những quân sư, luật gia làm quan lại đã tạo nên nền tảng hành chính của hoàng gia. Dưới chế độ Trung Quốc phong kiến tập quyền chế độ tài đức bao gồm các “quan chức - nho sĩ” hay quan lại - một tầng lớp nhỏ bé về số lượng, nhưng toàn năng về địa vị và tầm ảnh hưởng. Họ có những đặc quyền, trước hết là nắm độc quyền về giáo dục. Trường hợp của Ấn Độ thời tiền thuộc địa phổ biến chế độ đẳng cấp, bất bình đẳng và bị chi phối bởi những đạo sĩ Bà la môn, những người được hưởng độc quyền tiếp cận tri thức “ linh thiêng”.

Sự phát triển lực lượng sản xuất mạnh mẽ nhờ thị trường giúp chế độ tư bản vượt lên, chiến thắng các chế độ xã hội trước đó, một tầng lớp “trí thức” hay “giới tinh hoa” được hình thành. Họ được ví như “giai cấp mới”, không chỉ sở hữu kiến thức mà còn dần chiếm lĩnh cả tiền bạc và quyền lực. Hậu quả đạo đức từ thị trường, điều mà Adam Smith (1723-1790) hay Thorstein Veblen (1857 – 1929) băn khoăn, trở thành vấn đề thực sự nhất là khi giới tinh hoa trực tiếp tham chính. Cơ chế kiểm soát tha hoá quyền lực dựa trên tam quyền phân lập trong chế độ dân chủ đại nghị hay thống chế được sản sinh.

Chế độ toàn trị tài đức

Chế độ đảng cộng sản toàn trị ra đời bằng cách mạng bạo lực đã thiết lập chế độ toàn trị tài đức dựa trên khái niệm “tri thức xã hội chủ nghĩa” có nguồn gốc từ hệ tư tưởng Mác – Lênin. Hệ thống giáo dục độc quyền của Đảng này đã đào tạo quá mức “hàng triệu kỹ sư và cán bộ hành chính” và gây ra “một lực đẩy” chế độ tài đức lên nấc thang quyền lực cao nhất. Một tỷ lệ lớn “nhân lực có bằng cấp” được huy động chỉ để bảo vệ ý thức hệ giáo điều tạo ra sự lãng phí “vô hình” chất xám, hạn chế tính sáng tạo, tính phản biện vốn là một đặc tính của “trí thức”.

Mọi sự đảo lộn khi chế độ này sụp đổ ở Liên Xô cũ và Đông Âu sụp đổ, và “cơn ác mộng” diễn ra đối với chế độ toàn trị tài đức vừa “trỗi dậy” không lâu một cách không bình thường. Hậu quả là những kiến thức, kỹ năng và các giá trị từng phục vụ cho chế độ trở nên vô ích, hơn thế nó đòi hỏi chi phí lớn để khắc phục hậu quả và chuyển những thứ còn dùng được vào quỹ đạo phát triển. Thiệt hại về vật chất dù to lớn nhưng có thể đo đếm, nhưng những tổn thất, lãng phí về “vốn con người”, “vốn xã hội” dù vô hình, nhưng vô cùng nặng nề và có thể để lại di chứng lâu dài. Hậu quả không tránh khỏi là sự thay đổi bản chất của Chế độ tài đức. Hơn thế, một “biến thể” ở Việt Nam của mô hình toàn trị, duy trì sự cai trị của Đảng cộng sản, nhưng chuyển đổi kinh tế sang thị trường khiến Chế độ toàn trị tài đức “biến dạng”. Mâu thuẫn giữa các giá trị của hai hệ tư tưởng đối nghịch: CNXH và CNTB đang gây ra những hiệu ứng tiêu cực thách thức cải cách: sùng bái bằng cấp, độc quyền chân lý, đạo đức cá nhân, khen thưởng thành tích và cạm bẫy tài đức.



Ban chấp hành trung ương mới gồm 200 thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trên bục khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng cộng sản cầm quyền tại Hà Nội, Việt Nam ngày 1 tháng 2 năm 2021. TTXVN / Handout via REUTERS

Thách thức cải cách

Ngày càng trở nên nghiêm trọng, các hiệu ứng tiêu cực thách thức cải cách.

Trước hết, sự tôn vinh tri thức quá thái chịu ảnh hưởng bởi phong tục “vinh quy bái tổ” đang biến thành vấn nạn “sùng bái” bằng cấp. Sau mỗi kỳ “bầu bán” các số liệu thống kê về học hàm, học vị được đề cao kiểu như “trí tuệ tập trung” ở các tổ chức đảng và nhà nước: “Bộ Chính trị hay Ban chấp hành Trung ương có tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ cao nhất!”. Mới đây, số thống kê về trình độ của 499 đại biểu được bầu của Quốc hội khoá 15 gồm có 392 người sau đại học, chiếm 78,6%, trong đó số tiến sĩ 144, thạc sĩ 248, số giáo sư là 12 và phó giáo sư là 20 người… cũng được ca ngợi bởi các báo nhà nước.

Hậu quả của tệ sùng bái kiểu này khiến “bằng cấp” đã trở thành phương tiện tiến thân và hưởng lộc trong bộ máy đảng và nhà nước đặc quyền đặc lợi. Bởi vậy, nó “khuyến khích” quan chức sử dụng bằng giả, và bằng cấp đủ loại bị làm giả tràn lan để cung ứng nhu cầu việc làm khan hiếm trong xã hội. Nguy hiểm hơn là hiện tượng “bằng thật kiến thức giả”. Các cơ sở đào tạo do nhà nước quản lý đã “cố ý” trục lợi khi cấp sai đối tượng hoặc tăng quy mô làm giảm chất lượng đào tạo để có “lương hai” cho cán bộ nhân viên. Đào tạo nhân lực đang khủng hoảng.

Ngoài ra, vấn nạn này định hướng nhu cầu giả tạo về nhân lực khi bộ máy cai trị luôn phình to để thực hiện chức năng toàn trị và tách biệt với thị trường lao động và tạo “ảo tưởng” ổn định khi làm việc trong bộ máy đảng và nhà nước, dung dưỡng năng lực yếu kém và gây ra hiện tượng “chạy chọt”, hối lộ, mua bán bằng cấp.



Người dân đi bầu đại biểu Quốc hội và HĐND ở Hà Nội hôm 23/5/2021. AFP

Toàn trị trong lĩnh vực tư tưởng không những chỉ dẫn tới độc quyền chân lý, mà còn đang cản trở cải cách thể chế kinh tế và chính trị trong quá trình Đổi mới. Nhiều cuốn sách tham khảo chuyên môn nhưng vẫn bị cấm, chẳng hạn như “Đường về nô lệ” của GS F. Hayek (1899 – 1992). Ông là nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 1974, phản đối chế độ toàn trị, nhưng lý thuyết của ông khởi nguồn chủ nghĩa tân tự do kinh tế, mà nhiều nội dung được sử dụng để thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hoá. Ngoài ra, các tổ chức như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) cũng áp dụng để hỗ trợ cải cách thị trường ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, việc tiếp cận đối với hệ tư tưởng thị trường cần thiết cho cải cách và vận hành kinh tế cũng bị ngăn cấm. Việc “kỷ luật một người để răn đe nhiều người” như trường hợp GS. Chu Hảo, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh, đã không mấy thuyết phục.

Quan niệm về “hồng và chuyên”, “dụng nhân như dụng mộc” áp dụng trong công tác cán bộ chịu ảnh hưởng bởi các giá trị văn hoá nho giáo, có cội nguồn từ chế độ phong kiến tập quyền Châu Á, hướng đến đề cao một thể chế có tôn ti, trật tự đẳng cấp và đạo Vua – Tôi. Ngoài ra, việc đẩy mạnh học tập tấm giương đạo đức lãnh tụ có xu hướng thần thánh hoá, sùng bái cá nhân.

Thưởng hay trả lương cho “trí thức” khiến họ phụ thuộc để dễ quản lý họ, đó là cách ứng xử thường thấy. Sự khen thưởng thành tích một cách vụ lợi luôn có tác động hai mặt. Việc chính quyền “tặng” căn hộ hạng sang ở Hà Nội cho GS Ngô Bảo Châu khi ông đoạt giải thưởng Fields dành cho các nhà toán học xuất sắc trên thế giới năm 2010, nhưng đã không ngăn được ông viết thư cho Quốc hội xem xét lại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Các nhà quán quân “Đường lên đỉnh Olimpia” luôn được thưởng các suất du học nước ngoài đắt đỏ, nhưng họ đều “trì hoãn” quay về phục vụ tổ quốc, nơi đã nuôi dưỡng họ thành tài



Cuối cùng, chiếc bẫy “chế độ tài đức” cũng đang được giăng “chắc chắn” ở “Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, đó là tình trạng bất bình đẳng liên quan đến bằng cấp. Tầng lớp xã hội này xuất thân từ “chế độ tài đức” trở thành nhóm xã hội bá chiếm cả kiến thức, quyền lực và tiền bạc, đang truyền lại những đặc quyền của nó cho các thế hệ con cháu, giống như tầng lớp quý tộc xưa.

Bẫy “chế độ toàn trị tài đức” nằm trong cái bẫy lớn hơn đó là ý thức hệ. Tia lửa nhỏ “khai dân trí” Phan Châu Trinh vừa loé lên đã bị dập tắt. Biết đến khi nào với có kỷ nguyên khai sáng ở Việt Nam! Liệu có hy vọng phát triển đột phá ở đất nước này?

* Bài viết phân tích và thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.

   Mời xem thêm »


© TS. Phạm Quý Thọ
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad