Nhà đầu tư: Ông Trịnh Văn Quyết không khác gì “kẻ sát nhân”! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Nhà đầu tư: Ông Trịnh Văn Quyết không khác gì “kẻ sát nhân”!


Giá cổ phiếu của FLC 'cắm đầu' sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết bán chui 75 triệu cổ phiếu. AFP/ Trading View/ RFA Edited




Một số nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam cho rằng, hành vi bán gần 75 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết mà không thông báo trước đẩy nhiều người vào cảnh tán gia bại sản, và không khác gì hành vi giết người.

Đài Á châu Tự Do phỏng vấn hai nhà đầu tư chứng khoán trong nước, để tìm hiểu tác động từ hành vi của ông Quyết gây ra đối với nhà đầu tư cá nhân là như thế nào.

Một nhà đầu tư chứng khoán ở Hà Nội cho RFA biết quan điểm của ông:

“Cái việc mà ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu thì gây ảnh hưởng rất nặng nề đối với tâm lý của nhà đầu tư cá nhân, khiến họ thua lỗ. Minh chứng là trong vòng hai, ba ngày qua thì cái cổ phiếu FLC và những cổ phiếu họ FLC của ông Quyết thì đã giảm giá kịch sàn trên sàn chứng khoán, và có hiện tượng trắng bên mua, không có một ai mua cổ phiếu mang họ FLC của ông Quyết cả.

Những nhà đầu tư cá nhân khi này không thể bán được cho ai, và bây giờ họ đang phải gọi là dẫm đạp và chen lấn lên nhau để chỉ có thể thoát hàng của ông Quyết mà thôi.

Tôi nghĩ rằng là những nhà đầu tư cá nhân vào thời điểm này sẽ cắt lỗ bằng mọi giá và sẽ phải chịu khoản thiệt hại rất lớn.”


Nhà đầu tư cá nhân này còn cho rằng hành vi của ông chủ Bamboo Airways cho thấy ông là kẻ tham lam, không khác gì kẻ sát nhân vì đã đẩy nhiều người đến cảnh tán gia bại sản.

Ông Trịnh Văn Quyết và Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể trong buổi lễ nhận máy bay của Bamboo Airways hồi năm 2019. Ảnh: AFP

Một người khác ở TPHCM có kinh nghiệm 10 năm trong việc đầu tư chứng khoán thì cho rằng, chuyện bán chui cổ phiếu ở Việt Nam không phải là chuyện hiếm, ông nói trong điều kiện giấu tên vì lý do an toàn

“Ở thị trường nào cũng vậy, có đủ thể loại doanh nghiệp tuỳ theo mong muốn của nhà đầu tư, ví dụ có những doanh nghiệp theo kiểu đầu tư lâu dài đàng hoàng, nhưng cũng có những doanh nghiệp ăn xổi ở thì, rồi những cổ phiếu giống như đánh bạc cũng có, nói chung là trong đầu tư chứng khoán có đầy đủ hết, tùy theo khẩu vị của nhà đầu tư.

Riêng cái hành động của ông Trịnh Văn Quyết, với cái cổ phiếu FLC thì trong lịch sử của nó, nói thẳng đó là một cái cổ phiếu dạng lái, lái tức là sao, là ông sẽ gom cổ phiếu rồi đánh lên một mức nào đó và sẽ xả hàng ra, đó là cái cách vận động của cổ phiếu FLC lâu này rồi.

Thực ra mà nói chuyện bán chui cũng thường xảy ra trên thị trường, lý do tại vì theo cái vận động của cổ phiếu đó họ sẽ gom thật nhiều cổ phiếu giá thấp, sau đó họ sẽ đánh lên từ từ, sau đó sẽ xả hàng lại cho những người mà người ta sợ vuột cơ hội, người ta lao vào.

Khi đó thì họ sẽ bán chui thôi, vì theo pháp luật thì họ là cổ đông lớn, trước họ bán họ phải công bố, mà công bố thì người ta sẽ ngại và không mua nữa.”

Nguyên nhân của hiện tượng bán chui này, theo cả hai nhà đầu tư mà RFA phỏng vấn, là do chế tài chưa đủ mạnh.

Trong trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, pháp luật hiện hành chỉ cho phép cơ quan chức năng đưa ra mức phạt tối đa là 1.5 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ việc bán chui cổ phiếu lần này có thể lên đến hàng trăm tỷ, do vậy việc nộp phạt sẽ không thấm vào đâu, thế nên người ta sẽ sẵn sàng vi phạm.

Ý kiến chung của các nhà đầu tư là cần phải gia tăng tính răn đe trước hành vi trục lợi trên thị trường chứng khoán.

“Tôi cho rằng trong trường hợp này thì nhà nước cần phải xem xét xử lý hình sự cá nhân ông Trịnh Văn Quyết, vì ông ấy đã có hành vi nội gián và có thể được coi là lũng đoạn thị trường chứng khoán.” - Theo nhà đầu tư ở Hà Nội.

Còn nhà đầu tư từ TP. HCM thì cho rằng ngoài việc hình sự hoá hành vi trục lợi, thì cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để ngăn chặn tình trạng này tái diễn, ông nói:




“Đương nhiên là mọi việc mua bán trên thị trường là tự do ý chí, và việc anh mua bán một cổ phiếu nào thì anh phải có trách nhiệm tìm hiểu về nó, nhưng phải hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý để hạn chế những trường hợp lái cổ phiếu, bơm thổi giá ảo cổ phiếu để sau đó nhiều người đu vào thì lại xả ra, thì cái đó gây ra hậu quả rất lớn, nhà đầu tư sẽ thua lỗ rất lớn ở những cổ phiếu rác thế này. Cần phải có cơ chế hoàn thiện hơn nữa để có thể hạn chế những cái này.”

Hôm 10/1/2022, giới đầu tư chứng khoán ở quốc gia Đông Nam Á xôn xao trước thông tin tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã bán 74.8 triệu cổ phiếu của tập đoàn FLC từ năm ngày trước đó, trong khi trong cùng ngày 10/1 thông báo bán cổ phiếu mới chỉ được công bố trên website của tập đoàn.

Đến ngày 11/1, Bộ Tài chính ra quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC, sàn HOSE).

Sàn HOSE hay còn được biết đến là Sở giao dịch chứng khoán TPHCM trong cùng ngày có thông báo chính thức, về việc sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, do không không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch như quy định.

   Mời xem thêm »


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad