Bắt các lãnh đạo khối XHDS vì lợi ích nhóm bị đụng chạm và để đe dọa! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

Bắt các lãnh đạo khối XHDS vì lợi ích nhóm bị đụng chạm và để đe dọa!


Ba nhà hoạt động Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách và Nguỵ Thị Khanh trong một hội thảo của các CSOs.

Vụ bắt giữ nhà hoạt động môi trường, Giám đốc tổ chức xã hội dân sự Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh - Green ID- bà Nguỵ Thị Khanh, là vụ mới nhất mà Chính quyền Hà Nội ra tay đối với các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký ở Việt Nam.

Hồi tháng bảy năm ngoái, hai người khác bị bắt và đã bị xét xử là ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Giáo dục Truyền thông (MEC). Ông bị tuyên bốn năm tù vào ngày 11/1. Người thứ hai là luật gia Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển Bền vững (LPSD) bị án năm năm tù hôm 24/1, với cùng tội danh ‘trốn thuế’.



Một người luôn đồng hành cùng với luật gia Đặng Đình Bách trong các hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển Bền vững (LPSD), yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, nói với RFA tối hôm 10/2 rằng việc lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự được Nhà nước Việt Nam cấp phép, bị khởi tố trong thời gian gần đây đã tạo ra một nỗi lo sợ bao trùm lên các tổ chức NGOs khác ở trong nước, và rằng “trốn thuế” chỉ là cái cớ để chính quyền Việt Nam tiến hành bắt giam những nhà hoạt động hàng đầu vì có động chạm đến lợi ích nhóm.

Đụng chạm lợi ích nhóm?

Người này phân tích, cả ba tổ chức MEC, LPSD và Green ID đều thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA). Mục tiêu của liên minh này là thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm không khí bằng cách giảm nhiệt điện than, và vận động chính sách ra Luật bảo vệ môi trường, Luật quy hoạch điện VIII:

“Tôi hiểu rằng tội trốn thuế là một cái cớ. Còn nguyên nhân thực tế thì tôi cho rằng ba tổ chức này đều liên quan đến EVFTA và liên quan đến hoạt động của Liên minh năng lượng bền vững trong việc vận động mạnh mẽ bỏ nhiệt điện than, thì nó có tác động đến lợi ích nhóm.”

Ngoài ra, người này nhận định, đối với vụ án xảy ra ở tổ chức LPSD thì không giống với các vụ trốn thuế thông thường, trong quá trình tố tụng hình sự có nhiều sai phạm.

Thứ nhất, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử có ghi rõ đây là một phiên toà công khai, nhưng trên thực tế thì không một thân nhân nào của bị can, là luật gia Đặng Đình Bách được vào toà. Nếu chỉ là một vụ trốn thuế đơn thuần, vì sao phải ngăn chặn người thân tham dự phiên xét xử.

Thứ hai, toà không triệu tập kế toán trưởng và giám định viên cục thuế. Hành vi trốn thuế của một doanh nghiệp không thể nào giám đốc thực hiện một mình được mà không có sự liên đới của kế toán. Toà đưa ra phán quyết chỉ căn cứ vào những con số do giám định viên đưa ra, nhưng lại không triệu tập giám định viên vào toà để chất vấn. Đó là điều vô lý.

Thứ ba, LPSD là một tổ chức phi lợi nhuận, không thuộc tổ chức phải đóng thuế. Sau khi kết thúc các dự án, tổ chức này luôn thu thập các lá thư của nhà tài trợ và đối tác xác nhận rằng LPSD đã sử dụng số tiền tài trợ đúng mục đích.

Thứ tư, nếu đơn giản là vụ án trốn thuế, vì sao gia đình xin nộp tiền khắc phục hậu quả để được tình tiết giảm nhẹ, mà toà án lại không xem xét.

Từ những lý do trên, người này kết luận rất có khả năng là tòa án đã thông đồng với giám định viên cục thuế và kế toán trưởng để đổ hết tội cho luật gia Đặng Đình Bách, cáo buộc trốn thuế chỉ là điều nguỵ tạo.



Lá đơn đề nghị luật sư bào chưa do luật gia Đặng Đình Bách viết từ 8/7/2021 khẳng định lý do ông bị bắt theo lời ông là: “làm việc với một số dự án liên quan đến Thuỷ điện Sơn La, nên tôi bị đưa vào một vụ án khác… Tôi xác định mình vô tội và là nạn nhân của một vụ án khác” - ông Bách viết trong lá đơn.

Nỗi lo sợ, căng thẳng bao trùm các tổ chức khác

Nhân vật giấu tên mà RFA phỏng vấn cho biết đã nỗ lực liên hệ với gia đình của ông Mai Phan Lợi và bà Nguỵ Thị Khanh khi hai người này bị bắt, nhưng tất cả đều e ngại tiếp xúc với truyền thông:

“Tôi đã tìm cách đến gia đình của anh Lợi cũng như gia đình của chị Khanh nhưng mọi người không muốn chia sẻ với truyền thông bất cứ một thứ gì, mọi người vẫn rất là sợ.

Bởi vì thứ nhất là người thân của các anh chị đó không hiểu về tính chất công việc của người nhà mình. Họ vì không hiểu cho nên có một nỗi sợ, mọi người sợ bị sách nhiễu nên là mọi người rất là e ngại. Vậy nên tôi cảm thấy rất là đơn độc.”


Người này nói mình cảm nhận được nỗi sợ hãi đang bao trùm lên giới NGOs trong nước. Đã bắt một, hai rồi ba người thì không có lý do gì phải e ngại bắt tiếp nhiều người khác:

“Mọi người có hỏi thăm đến gia đình tôi, thì tôi có cảm nhận được nỗi sợ hãi nó đã bao trùm lên tâm lý của tất cả những người đứng đầu của các tổ chức NGOs khác.

Vì họ sợ không biết đến khi nào thì chính quyền sẽ sờ đến mình, cho nên họ không dám có bất kỳ một hành động cụ thể nào để lên tiếng cho những người đã bị bắt oan, đã bị kết tội oan. Như thế họ sống trong sự hoang mang và lo lắng nó bao trùm lên hết.”


Vào tháng 12/2021, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về các quyền tự do hội họp ôn hòa và hiệp hội và Báo cáo viên Đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt đã gởi một thư ngỏ cho Chính phủ Việt Nam.

Một trong các nội dung của bức thư này lưu ý rằng Việt Nam đã hạn chế các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự cũng như bày tỏ quan ngại về những hạn chế pháp lý đối với việc tiếp cận nguồn tài trợ nước ngoài.

Các Báo cáo viên đặc biệt kêu gọi Việt Nam đảm bảo rằng các hiệp hội, dù đăng ký hay không, đều có thể tìm kiếm, nhận và sử dụng tài trợ và các nguồn lực, dù là nội địa, nước ngoài hay quốc tế, mà không phải phê duyệt trước hay phải chịu những cản trở không đáng có, bao gồm từ các cá nhân, hiệp hội, quỹ hay các tổ chức xã hội dân sự khác…

Giờ đây bộ máy đàn áp của Nhà nước này lại đang chuyển hướng nhắm vào các tổ chức phi chính phủ hoạt động về môi trường và xã hội. - Phil Robertson (HRW)

Bình luận của Tổ chức nhân quyền quốc tế

Bình luận với Đài Á châu Tự do qua email vào hôm 10/2, ông Phil Robertson, Giám đốc khu vực Á Châu của tôt chức Human Rights Watch cho rằng:



“Việt Nam tuyên bố rằng họ quan tâm đến môi trường toàn cầu và các cam kết COP26, tuy nhiên hành động của họ chứng minh rõ nét hơn là lời nói. Đây là một Chính phủ mà Bộ trưởng tham dự hội nghị COP26 đã bị quay lại cảnh ăn tối với món bò dát vàng trị giá 20 ngàn đô-la, tại một quán ăn cao cấp ở London. Và bây giờ, Chính phủ đó lại đang bắt giữ bà Ngụy Thị Khanh, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng nhất của họ, theo một cách hoàn toàn nguỵ tạo và có động cơ chính trị, với cáo buộc tội trốn thuế. Đối với Chính phủ Việt Nam, rõ ràng là sự đàn áp và tham nhũng luôn được đặt lên trên hết, còn nhân quyền và môi trường thì đứng sau cùng.

Cả ba nhà hoạt động bị bắt gần đây, hai trong số họ đã bị kết án, đều liên quan đến việc giám sát Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam (EVFTA), từ khía cạnh môi trường. Vì vậy, những vụ bắt giữ này có thể xem là cú tát của Việt Nam vào mặt của EU về vấn đề giám sát và tuân thủ EVFTA, và chờ xem liệu Brussels có đủ can đảm để làm điều gì đó hay không. Đó là một thách thức trực tiếp đối với những quan ngại đã được EU tuyên bố về tính độc lập của xã hội dân sự, hành động vì môi trường và giám sát chuỗi cung ứng bền vững ở Việt Nam.

Bây giờ, Hà Nội đã hoàn tất việc bỏ tù tất cả những người bất đồng chính kiến, trong lúc thế giới đang bị phân tâm bởi COVID-19. Giờ đây bộ máy đàn áp của Nhà nước này lại đang chuyển hướng nhắm vào các tổ chức phi chính phủ hoạt động về môi trường và xã hội. Chúng ta hãy hy vọng rằng thế giới sẽ đấu tranh mạnh mẽ cho các nhà lãnh đạo xã hội dân sự hơn là những gì họ đã làm đối với những người bất đồng chính kiến. Nhiều người trong số đó hiện đang phải chịu án tù dài hạn vì chỉ đơn giản là lên tiếng chống lại vi phạm các quyền và tham nhũng.”

   Mời xem thêm »


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad