Toà Án Nhân Dân và bóng con chim nhạn - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Toà Án Nhân Dân và bóng con chim nhạn


Ông Lê Tùng Vân (giữa) cùng 2 đệ tử của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Ảnh trên mạng

Đầu năm nay, một vụ khởi tố bắt giam ba cư sĩ của một thiền am ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, làm tôi chú ý. Theo dõi báo chí, lắng nghe, rồi thưởng thức những bản bolero do chính các các cư sĩ này hát, tôi chưa bao giờ cảm thấy lòng mình xao xuyến và thú vị như vậy. Giữa lúc dư luận bên ngoài đang dậy sóng, trông họ thật an lành. Họ làm tôi chạnh nhớ đến vị tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử đời nhà Trần và bài thơ “Mưa Núi” của ngài:

Gió thu ban tối thổi hiên tây
Nhà núi đìu hiu tựa đám cây
Tấc dạ tu hành từ những thuở
Dế kêu rầu rĩ bởi ai đây?
(Huyền Quang – Bản dịch của Phan Võ)

Tam tổ Huyền Quang là một thi nhân, một thiền sư, nhưng với văn bút tài hoa và một tâm hồn nghệ sĩ phá chấp, thơ của ngài thường bị người đời chỉ trích là đượm màu thế tục. Đến như tam tổ thiền sư mà “tấc dạ tu hành” còn bị tiếng đời dị nghị, xoi mói, thì nói chi đến một thiền am nhỏ xíu nằm ven bờ ruộng của cái xã Hòa Khánh Tây. Nhưng có lẽ chính nhờ những “lùm xùm” thế gian ấy, người ta mới biết đến Tịnh Thất Bồng Lai và tinh thần tu đạo của vị cư sĩ dẫn đầu thiền am.



Ông Lê Tùng Vân thường được gọi “Thầy ông nội” là người tu theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, một đạo gần giống như đạo Hòa Hảo của đức Huỳnh Phú Sổ – Đạo thờ phật và đề cao Tứ ân: ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại. Tịnh Thất Bồng Lai của ông nay đổi tên thành “Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ”, là nơi ông nuôi trẻ mồ côi và hướng dẫn các đệ tử tu tập.

Ông Lê Tùng Vân (giữa) cùng 2 đệ tử của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Ảnh trên mạng

Ngày 5/1/2022 báo chí, truyền thông rầm rộ đưa tin, công an tỉnh Long An quyết định khởi tố 4 cư sĩ ở đây với các tội danh đang được điều tra: loạn luân; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Kịp đến khi cơ quan chức năng chính thức rút lại hết các tội danh trên, để chỉ khởi tố họ vì tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân” thì ôi thôi! nhân phẩm của các cư sĩ này đã bị cả một “hệ thống truyền thông chính thống” bao gồm hàng trăm tờ báo, hàng chục cơ quan, tổ chức đầy quyền lực dìm xuống tận bùn đen!

Thế nhưng, vụ án của các cư sĩ này không giống như bất kỳ vụ án nào từ trước đến nay, và có thể nói rằng chính nhờ nó mà tôi nhìn thấy được những điều rất tích cực từ một xã hội bị cho là băng hoại về đạo đức. Trước cường quyền, vẫn có những người dân bình thường, ung dung chọn sống với lẽ phải, với sự thật và lan truyền nó.

Với một nền tư pháp không dựa trên công lý và những phiên toà “Kanguru” của nước ta, thì đảng ra lịnh bắt ai, xử ai, và xử bao lâu mà không được? Thế nhưng, mức án nào sẽ xử được người tu hành và vị cư sĩ trên 90 tuổi này? Họ không có gì cả ngoài sự chân thành. Họ cũng không hề lên tiếng biện minh. SỰ THẬT là thứ quý giá nhất mà họ sở hữu. Và SỰ THẬT có sức mạnh. Sự thật đang được lan truyền và tôi nghĩ không có gì có thể ngăn nó lại. Tôi muốn mượn bài “kệ” của thiền sư Hương Hải và bóng con chim nhạn để minh hoạ về những gì đang xảy ra nơi đây:

Nhạn bay trong không
Bóng chìm đáy nước
Nhạn không có ý để dấu
Nước không có tâm giữ bóng.

Có thể nói rằng Sự Thật, hay nói một cách khác “đạo lực của người tu hành” đã khiến một luồng dư luận lên tiếng thay cho họ. Trước tiên, phải nói đến sự lên tiếng của nhà báo Lê Đại Anh Kiệt, Gs Nguyễn Văn Tuấn và chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, … chính nhờ những tiếng nói đó đây, mà các cơ quan truyền thông lớn như RFA, BBC đã tìm đến Thiền Am.

Mặc dù không có cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với các cư sĩ ở đây (theo RFA, Thiền Am không bắt máy), đầu xuân năm nay cả hai cơ quan trên đã đăng lời chúc tết của “thầy ông nội” đặc biệt lời ông nhắn nhủ các đệ tử trong tù: “Mong rằng ba vị đó học bài học này mà vẫn tiếp tục hiền lành như trước đây, trước giờ hiền sao thì bây giờ cũng hiền như vậy. Dầu cho cuộc đời có đối xử với mình như thế nào thì cũng kệ nó”.



Cũng xin nhắc lại, Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của ông Lê Tùng Vân, còn được gọi là Đạo Lành, đạo mang đậm tính chất của người dân miền nam. Bản thân ông, người từng là tỉnh hội trưởng Bửu Sơn Kỳ Hương ở An Giang cũng thế, cũng rất miền Nam: Bộc trực, mạnh mẽ, khẳng khái, thẳng thắn, không quanh co, không giữ kẽ. Có thể thấy, thái độ đó trong cách ông cho một đệ tử bốn tuổi trả lời lại Thượng Toạ Thích Nhật Từ, một vị chức sắc trong “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”, sau khi vị này đăng đàn gọi ông và các đệ tử là “giả tu”; hay qua cách hành xử và ngôn ngữ của 5 chú tiểu trong game show “Thách Thức Danh Hài”.

Đạo Lành không có nghĩa là khiếp sợ. Ông Lê Tùng Vân dạy các đệ tử sống lành, sống thiện nhưng không sợ hãi, không cam chịu trước những điều sai quấy. Năm 2014, một đệ tử của ông là Lê Thanh Huyền Trân đoạt giải á quân trong cuộc thi hát do The Voice tổ chức. Một nhà tài trợ ở Úc đã bảo trợ cho em và hai cư sĩ khác được đi du học ở Úc. Thế nhưng, Trưởng CA xã Hòa Khánh đã lợi dụng cơ hội này, đòi thiền am phải đóng 300 triệu mới làm Chứng Minh Nhân Dân cho các em. Vụ việc được tố cáo, trưởng CA đã bị kỷ luật và bị thuyên chuyển đi nơi khác.

Bản thân chúng ta là nguồn gốc của tất cả. Chúng ta như thế nào thì xã hội như thế đó. Xã hội tốt đẹp là do mỗi con người tự minh định các giá trị của chính mình và sống đúng với các giá trị đó. Đệ tử của “thầy ông nội” đã cư xử và chọn sống đúng với tinh thần của người cư sĩ. Sau thành công ở The Voice, Lê Thanh Huyền Trân được ca sĩ Quang Lê nhận làm con nuôi, nhưng do yêu cầu của ca sĩ này – nếu muốn bước vào thế giới showbiz, em phải đội tóc giả, thậm chí nuôi tóc thật và ăn mặc cho phù hợp. Đòi hỏi này khiến Huyền Trân phải ngừng hợp tác với ca sĩ Quang Lê.

Bất chấp những thông tin xấu về Thiền Am được lan truyền trên mạng xã hội như lợi dụng trẻ mồ côi để trục lợi, anh Lê Thanh Minh Tú, người đã sống ở thiền am suốt ba mươi năm, hiện đã có cuộc đời riêng, chia sẻ cùng đài RFA như sau: “Em là trẻ mồ côi ở đó (Tịnh Thất Bồng Lai) từ hồi năm 1988, tới năm 2019, vì công việc nên em phải ra Sài Gòn ở trọ để gần công ty. Em được tồn tại nhờ sự nuôi nấng của các Thầy, các Cô trong đó… các Thầy cho ăn, cho học, muốn học đến đâu là các Thầy cho đến đó… Thầy không có cấm cản học để đi lao động, Thầy không ép… Thầy muốn mình học, được tự do, không ép mình theo một nghề nghiệp nào, hay làm một công việc nào… Thầy nói ‘con muốn làm gì tùy con, miễn không vi phạm đạo đức xã hội, không làm gì sai thì con cứ làm’… Em theo gương Thầy và được học đến bây giờ”.

Nghe đâu vị thầy của anh đã từng gặp nạn, viện mồ côi của ông cũng đã từng bị đốt cháy. Ông đã có lần chèo ghe về Cần Thơ toan rời khỏi đất nước, nhưng rồi bỏ ý định ấy, ông chọn ở lại để nuôi trẻ mồ côi và dạy họ đạo làm người.

***

Sự thật ở nước ta như bóng con chim nhạn trong bài kệ của thiền sư Hương Hải. Mai này nước sông có trôi đi, mai này không ai còn nhắc nhở, nhưng bóng nhạn cứ hoài in dấu giữa lòng mọi người. Từ những Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Châu Văn Khảm, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng … cho đến Đỗ Nam Trung, Hà Văn Nam, Nguyễn Quỳnh Phong, tất cả đã ghi dấu những nỗ lực không ngừng giữa thời kỳ đen tối nhất của nền tư pháp nước ta. Điều quan trọng ở đây, trong hoàn cảnh thiếu vắng niềm tin, mỗi người dân VN vẫn đang đóng vai trò một tác nhân tích cực trong việc xây dựng lại niềm tin cho nhau.



Các bạn quan tâm của tôi vẫn thường chia sẻ cái nhìn lạc quan của họ xuyên qua tinh thần phục vụ của công ty “Thái Hà book” hay “Quán Cà Phê Thứ Bảy” – cà phê văn hoá của nhạc sĩ Dương Thụ. Riêng câu chuyện của Thiền Am lại đem tôi trở về với cái đẹp của con người thời cũ – hình ảnh những nông dân miền nam tóc dài búi tó, khai hoang lập ấp ở núi Sam hay sâu tận trong miệt Bảy Núi; những người đi theo Đức Bổn sư Ngô Lợi đánh Tây ở vùng Lương Phi – Ba Chúc; những con người đẹp lạ lùng trên mảnh đất bùn lầy của rừng đước, rừng tràm …

Xin được khép lại bài viết ở đây bằng bài hát của cư sĩ Nhất Nguyên và câu nói đơn sơ của vị đại sư phụ; người vẫn dạy dỗ các bé mồ côi và cho các bé niềm tin rằng, các em sẽ trở thành một vị phật tương lai; người mà các bé vẫn gọi bằng cái danh vị gần gũi “thầy ông nội”:

“Cái đạo mà tất cả chúng ta cần phải học, cần phải hoàn thiện chính là ĐẠO LÀM NGƯỜI. Nếu không hoàn thành được cái đạo làm người thì đừng mong đắc đạo thành Phật thành Tiên gì cho mắc công”.

VIDEO : Nhạc Phật Tuyển Chọn Cực Hay | Thầy Của Tôi | Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, Nhị Nguyên, Nhất Tuệ 5 Chú Tiểu – Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ






   Mời xem thêm »


© Nguyệt Quỳnh
    * Bài viết phân tích và thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad