Việt Nam tiếp tục dùng các điều luật mơ hồ để dập tắt tiếng nói trái chiều - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Việt Nam tiếp tục dùng các điều luật mơ hồ để dập tắt tiếng nói trái chiều


Nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu (trái) và Facebooker Nguyễn Thị Bình tại tòa ngày 22-23/4/2021




Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) hôm 26/4 lên án mạnh mẽ bản án kết tội và mức án tù nặng dành cho nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cô.


Nhà báo độc lập Trần Thị Tuyết Diệu, cựu phóng viên báo Phú Yên, bị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên án tám năm tù giam với cáo buộc ‘Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ vào sáng 23/4.



Một ngày trước đó, Facebooker Lê Thị Bình bị Tòa án nhân dân quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ tuyên phạt 2 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm sáng ngày 22/4. Bà Bình bị cáo buộc tội danh ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’.


Như vậy, trong hai ngày liên tiếp, Chính phủ Hà Nội đã tuyên hai bản án tù giam đối với hai người phụ nữ được nói chỉ nêu lên quan điểm cá nhân của bản thân trên Facebook.


Trao đổi với RFA tối 26/4, Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn nhận định rằng:


“Phải nhìn nhận những vụ án đó họ tuyên là có cơ sở pháp luật chứ không phải không. Ví dụ như cô Bình chẳng hạn là bị tuyên theo Điều 331 ‘Vi phạm quyền tự do dân chủ’, còn đối với trường hợp cô Diệu nhà báo là bị tuyên theo Điều 117, hình như là vậy, tóm tắt tội danh là ‘Tuyên truyền chống nhà nước’. Vì vậy nên nói cơ sở pháp lý là có, dựa trên hai điều luật tôi vừa nói.


Tuy nhiên điều đáng nói hai điều luật này là hai trong số các điều luật mà các tổ chức quốc tế thường kêu gọi Việt Nam bỏ. Đây mới là điều đáng nói vì hai điều luật này đi ngược lại với quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí mà trong văn bản Hiến pháp Việt Nam đã quy định.”


Bây giờ ở Việt Nam những tội danh nói về lãnh đạo rõ ràng thì cũng không rõ ràng gì lắm nhưng có lẽ vì an ninh quốc gia nên thời gian gần đây việc xử rất nặng, án rất cao với mục đích không muốn người ta nói xấu chế độ nên dùng những luật lệ nghiêm khắc. – LS. Nguyễn Khả Thành


Từ Phú Yên, Luật sư Nguyễn Khả Thành, người bào chữa cho nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu, nói lên cảm nhận của ông:


“Bây giờ ở Việt Nam những tội danh nói về lãnh đạo rõ ràng thì cũng không rõ ràng gì lắm nhưng có lẽ vì an ninh quốc gia nên thời gian gần đây việc xử rất nặng, án rất cao với mục đích không muốn người ta nói xấu chế độ nên dùng những luật lệ nghiêm khắc.”



Thông tấn xã Việt Nam dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên quy kết, từ tháng 9/2019-4/2020 cô Trần Thị Tuyết Diệu đã làm, tàng trữ 25 bài viết và 9 video có nội dung bị cho là ‘chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ và đăng tải lên Facebook Tuyết Babel và kênh YouTube Tuyết Diệu Trần của cô.


Ngoài ra, nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu còn bị cho là đã tàng trữ 7 bài viết khác có nội dung chống Nhà nước trong máy tính xách tay, đồng thời nhiều lần đăng bài ủng hộ ông Nguyễn Viết Dũng, người bị Tòa án Nghệ An tuyên 6 năm tù giam trước đó vì bị cho là ‘tuyên truyền chống nhà nước’.


Tuy nhiên, tại phiên xử, nhà báo Tuyết Diệu đã không nhận tội, và cho rằng nếu tuyên án cô thì tòa phải chỉ ra được một người bị tác động bởi những hành vi của cô.


CPJ kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu.


Trong khi đó, Facebooker Lê Thị Bình bị quy kết từ tháng 10/2019-11/2020 đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để phát trực tiếp, đăng bài và chia sẻ các bài viết. Trong đó có 24 bài có nội dung bị cho là ‘tuyên truyền tư tưởng, quan điểm xấu, phản động nhằm chống đối, chống phá, nói xấu, xúc phạm, xuyên tạc, phỉ báng đối với tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và cán bộ lãnh đạo Đảng nhà nước.’


Ngoài ra, cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân quận Bình Thủy còn cho rằng bà Bình đã xúc phạm nghiêm trọng đối với ông Hồ Chí Minh, thực hiện kêu gọi đòi đa nguyên đa đảng, xóa bỏ chế độ chính trị.


Luật sư Nguyễn Khả Thành cho rằng trước đây khi không có Facebook thì thông tin lề trái chỉ trong một phạm vi hẹp. Tuy nhiên, trong tình hình Facebook phát triển mạnh mẽ như hiện nay, một nguồn tin được đưa lên thì sẽ được like, share nên sẽ lan tỏa nhiều hơn, phát tán nhiều hơn. Đây cũng chính là điều khiến phía nhà nước lo ngại.



“Sự thật thì nếu đứng về góc độ lãnh đạo thì người ta muốn làm cho nghiêm chỉnh, mọi người nên nói theo đường lối chính sách của họ chứ họ không thích ai nói ngược lại, thông thường là vậy. Trong giai đoạn này họ lại càng không muốn nữa nên mức án rất nặng, theo tôi nghĩ những thời điểm bình thường chắc không có những mức án ấy, như 9-10 năm về trước hình phạt tương đối nhẹ hơn bây giờ.”


Hai tội danh này thật ra hết sức mơ hồ và đẩy đến tình trạng tuyên hình phạt thế nào cũng được. Trước đây họ cho rằng tình trạng chưa nghiêm trọng nên tuyên thế nào cũng được nhưng bây giờ vấn đề quá phổ biến và muốn ngăn chặn, muốn trấn áp người dân vấn đề đó thì họ tuyên nặng hơn. – LS. Đặng Đình Mạnh


Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, qua hiện thực rất nhiều người bị chế tài vì hai điều luật vừa tuyên với nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu và Facebooker Lê Thị Bình, cụ thể là Điều 117 và Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, càng cho thấy người dân chỉ đang thực hiện quyền của mình theo Hiến pháp.


Theo Luật sư Mạnh, người dân chỉ đang góp ý để xây dựng, họ đang nói về những bề trái, họ đang phản biện những vấn đề của xã hội, nếu bình tĩnh nhìn vấn đề góc độ như vậy. Tuy nhiên, thực tế lại không như ông vừa nêu:


“Có vẻ về phía chính quyền họ không chấp nhận điều đó và việc xử lý ngày càng tăng mức độ hình phạt cho thấy chính quyền dường như không nhìn nhận ra vấn đề mà dường như họ càng hà khắc hơn trong việc xử lý đối với những vấn đề như vây, vấn đề thứ nhất là tăng hình phạt.


Chính những điều đó cho thấy hai tội danh này thật ra hết sức mơ hồ và đẩy đến tình trạng tuyên hình phạt thế nào cũng được. Trước đây họ cho rằng tình trạng chưa nghiêm trọng nên tuyên thế nào cũng được nhưng bây giờ vấn đề quá phổ biến và muốn ngăn chặn, muốn trấn áp người dân vấn đề đó thì họ tuyên nặng hơn.”


The 88 Project, một nhóm vận động theo dõi tình trạng của các tù nhân chính trị Việt Nam, nhận định rằng những nội dung của nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu trên Facebook và YouTube đề cập đến các chủ đề kinh tế xã hội bao gồm tham nhũng, môi trường và nhân quyền.



Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, Chính phủ Hà Nội nên đánh giá lại giá trị của hai điều luật là Điều 117 và Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015. Ông nói:


“Tốt hơn hết là nên bãi bỏ hai điều luật này. Thông tin của nhiều quốc gia có luật pháp tiến bộ thì thông thường việc mang ý nghĩa xúc phạm đến một cá nhân như dân thường hay lãnh đạo… thì những việc đó giải quyết trên cơ sở trách nhiệm dân sự, có thể kiện ra tòa về trách nhiệm dân sự việc danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm chứ không nhất thiết phải đẩy ra một vấn đề, phạm trù hết sức nặng nề thành hình sự.


Hơn nữa khi đẩy vấn đề ra hình sự thì vô hình chung nó lại phủ nhận quyền tự do dân chủ của người dân trong đó bao gồm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.”


Trong báo cáo hàng năm CPJ đưa ra ngày 1/12/2020, Việt Nam nằm trong số những nước có các nhà báo bị giam giữ tồi tệ nhất trên toàn thế giới, với ít nhất 15 người đứng sau song sắt vào thời điểm điều tra.


   Mời xem thêm »



© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad