Những ‘điểm yếu’ gây tắc nghẽn nông sản xuất sang Trung Quốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

Những ‘điểm yếu’ gây tắc nghẽn nông sản xuất sang Trung Quốc


Các lái xe container chở hàng xuất khẩu của VN sang TQ ngồi đợi tại cửa khẩu biên giới ở Lạng Sơn hôm 7/1/2022.

Phần âm thanh - Nhấp vào nút play (►) phía dưới để nghe


Theo Bộ Công thương Việt Nam, ngoài lý do Trung Quốc siết chặt kiểm soát để phòng chống dịch COVID-19, thì những điểm yếu như sản xuất chưa bám sát nhu cầu thị trường nhập khẩu; chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; việc truy nguồn gốc vẫn còn hạn chế nên khó xuất khẩu chính ngạch và chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới.



Dù đã qua những ngày cao điểm Tết Nguyên đán, nhưng tính đến ngày 16/2/2022, vẫn còn khoảng 2.000 container hàng hoá đang nằm chờ ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, trong đó 82% là nông sản, hoa quả tươi.

Cái này đã biết từ rất lâu rồi, đối với nông sản thì vấn đề chất lượng là quan trọng, ai có sản phẩm tốt chất lượng thì bán đâu cũng được. Cái thứ hai là lâu nay đó là thị trường dễ tính, nhưng bây giờ Trung Quốc thay đổi, kiểm soát hết sức chặt chẽ... nên dẫn tới tắt nghẽn như vậy... Vấn đề này đã cảnh báo từ lâu rồi, giờ Bộ Công thương chỉ nhắc lại thôi. -Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, khi trả lời RFA hôm 16/2 cho rằng những điểm yếu mà Bộ Công thương nêu ra đã được cảnh báo từ lâu, nhưng không được giải quyết:

“Cái này đã biết từ rất lâu rồi, đối với nông sản thì vấn đề chất lượng là quan trọng, ai có sản phẩm tốt chất lượng thì bán đâu cũng được. Cái thứ hai là lâu nay đó là thị trường dễ tính, nhưng bây giờ Trung Quốc thay đổi, kiểm soát hết sức chặt chẽ... nên dẫn tới tắt nghẽn như vậy... Vấn đề này đã cảnh báo từ lâu rồi, giờ Bộ Công thương chỉ nhắc lại thôi.”

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, bây giờ Trung Quốc nâng cao yêu cầu, đòi hỏi nhiều hơn trước, do đó ông cảnh báo:

“Bây giờ Việt Nam nếu không khắc phục thì sẽ thua các thị trường, các đối tác ví dụ như Thái Lan, Lào, Campuchia... Từ trước đến nay xuất khẩu theo tiểu ngạch, ngay sát đường biên giới mà làm ăn không có bài bản... thì cuối cùng bị thua thiệt là đúng thôi. Bây giờ phải hướng tới như vậy, Trung Quốc cũng yêu cầu như vậy.”

Xe tải chở nông sản chờ thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn. AFP PHOTO.

Tình trạng cửa khẩu ùn ứ hàng ngàn xe container từ cận Tết đã giải toả được phần nào... Nhưng sau Tết, hiện tượng này lại tái diễn. Để giảm bớt lượng xe tồn ở các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma... tỉnh Lạng Sơn đã dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi lên cửa khẩu xuất sang Trung Quốc trong 9 ngày từ 16/2 đến 25/2.

Việc ngừng tiếp nhận xe lên cửa khẩu khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vận tải thêm thiệt hại, tăng chi phí... khiến một số doanh nghiệp cho báo chí biết phải dừng xuất hàng bằng đường bộ và tìm hướng giải quyết khác.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 16/2, nhận định:

“Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chỉ khoảng 3%. Trong khi xuất khẩu tiểu ngạch không theo hợp đồng, kém chất lượng chiếm tỷ lệ rất lớn, phần lớn là nông sản, rau quả, thủy sản... sản xuất nhỏ lẻ. Vì vậy Bộ Công thương Việt Nam đã có yêu cầu phải liên kết, tăng cường hợp tác, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch... Thì lúc bấy giờ có thể tổ chức việc vận tải bằng đường thủy hoặc đường sắt thuận tiện hơn việc cứ xuất khẩu phụ thuộc vào bốn năm thương lái chủ yếu của Trung Quốc. Đó là lý do dẫn đến khi Trung Quốc họ nghỉ việc, hoặc có lý do gì đó họ ngừng... thì phía Việt Nam phải chờ, gây khó khăn và tăng chi phí cho phía VN.”

Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chỉ khoảng 3%. Trong khi xuất khẩu tiểu ngạch không theo hợp đồng, kém chất lượng chiếm tỷ lệ rất lớn, phần lớn là nông sản, rau quả, thủy sản... sản xuất nhỏ lẻ. -Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan được báo Nhà nước trích đăng hôm 16/2, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong tháng một, nhưng nhập khẩu vẫn tăng mạnh trong tháng đầu năm



Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc giảm 14,9% so với cùng kỳ, đạt 3,91 tỷ đô la; nhập khẩu tăng 17,5% so với cùng kỳ, đạt 10,76 tỷ đô la. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 6,85 tỷ đô la ngay trong tháng đầu năm 2022.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhận định về tình trạng mất cân đối này:

“Việt Nam và Trung Quốc là hai nền kinh tế núi liền núi, sông liền sông... Việt Nam nhập khẩu rất nhiều các mặt hàng của Trung Quốc, lý do là rất nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc và các công ty khác đầu tư vào Việt Nam, nhưng các linh kiện lại nhập từ Trung Quốc. Lý do là họ đã đầu tư những nhà máy lớn hơn ở Trung Quốc. Ví dụ Samsung cũng nhập rất nhiều linh kiện từ Hàn Quốc và Trung Quốc để sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra VN - TQ có cơ số kinh tế ngày càng thay đổi, trong đó TQ đã chuyển sang một giai đoại phát triển mới, do đó bổ sung cho kinh tế VN một loạt linh kiện. Còn VN thì chủ yếu chỉ xuất khẩu sang TQ nông sản...”

Vì vậy Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc mất cân đối thương mại rất nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi phải có những nỗ lực rất nghiêm túc, để từng bước giảm mức độ nhập siêu đó và tránh việc phụ thuộc thái quá vào một thị trường là Trung Quốc.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021 nhập siêu từ Trung Quốc tăng gần 20 tỉ USD, lên hơn 54 tỉ USD. Cụ thể Việt Nam chi 109,87 tỉ USD để mua hàng hóa từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với năm 2020.

Dù mang về hàng tỷ USD, nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc hàng năm không ổn định. Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu nông sản thô nên giá trị gia tăng thấp, khối lượng lớn nhưng hiệu quả không cao so với các nước khác như Thái Lan, Malaysia...

   Mời xem thêm »


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad