Một thoáng nhìn về nhân quyền 2019 - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2019

Một thoáng nhìn về nhân quyền 2019


Tôi định có vài sơ lược tổng kết về tình trạng nhân quyền năm 2019 nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc tế Nhân quyền. Tuy nhiên đa số các tổ chức nhân quyền thế giới đều công bố bản báo cáo của mình cho năm đó vào năm sau để trình bày đầy đủ dữ kiện hơn. Nên bài viết này cũng chủ yếu tập trung vào vài khía cạnh nhân quyền năm 2018 và 2019.


Trang đầu bản báo cáo của Freedom House về tự do trên toàn thế giới năm 2019 là bức họa hình của chín lãnh đạo quốc gia, trong đó có Nga, Thổ Nhỉ Kỳ, Venezuela, Iran, Hungary, Trung Quốc, Saudi Arabia, Miến Điện và sau cùng là Hoa Kỳ cùng nhau đứng chung quanh đốt chữ “Tự Do”. Có người quạt, có người thổi, có người châm dầu, có người cầm đuốc, có người cổ võ, và có người thưởng ngoạn nó.

Bản báo cáo trên tổng kết: năm 2018 là năm thứ 13 liên tục xuống cấp về tự do trên toàn cầu; các quyền lực độc tài ngày càng cấm đoán các nhóm đối lập hoặc bỏ tù lãnh đạo của họ, tìm cách xóa bỏ nhiệm kỳ, và xiết chặt các cơ quan truyền thông độc lập còn tồn tại; trong khi đó nhiều nước đã dân chủ hóa sau Chiến tranh Lạnh giờ đã thoái bộ khi đối diện với tham nhũng lan tràn, các xu hướng dân túy phi cấp tiến, và sự hư hỏng của nền pháp quyền; quan ngại hơn nữa là các nền dân chủ lâu đời cũng bị lung lây bởi các thế lực chính trị dân túy chối bỏ các nguyên tắc căn bản như phân quyền và tấn công vào thiểu số với những đối xử phân biệt. Tuy thế Freedom House cho rằng sự hứa hẹn của dân chủ vẫn còn thực tế và mạnh mẽ. Mặc dầu sự thất thoát tổng thể không nhiều so với những gì đã đạt được cuối thế kỷ 20, nhưng xu hướng hiện nay là nhất quán và đáng ngại.

Về quyền chính trị và tự do dân sự, thì 68 quốc gia được đánh giá là xuống cấp, 50 gia tăng, còn lại không thay đổi, trong đó có Việt Nam. Trường hợp Việt Nam có nghĩa là vẫn tệ hại như những năm qua. Quyền chính trị thì đạt điểm 7 trên 7, tự do dân sự thì 5 trên 7, xếp hạng tự do 6 trên 7, điểm tổng hợp là 20 (số 1 là tự do nhất, 7 là ít tự do nhất, và 100 là cao nhất cho tổng số điểm). Nếu so sánh thì nước Finland, Norway, Sweden được xem là gần như toàn hảo, với con số 1, 1, 1.0 và 100; kế đến là Hòa Lan 1, 1, 1.0 và 99; Úc, Luxembourg, Tân Tây Lan, Uruguay 1, 1, 1 và 98. Theo Freedom House thì tại Việt Nam, các vụ bắt bớ, giam cầm, kết tội hình sự, và đánh đập phóng viên, blogger, các nhà hoạt động nhân quyền vẫn tiếp diễn nguyên năm 2018.

Theo báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) năm 2019, mà phần lớn cũng chủ yếu dựa vào các diễn biến năm 2018, thì trong khi các nhà độc tài và những kẻ vi phạm nhân quyền chiếm đầu trang tin tức năm 2018, những người bảo vệ nhân quyền đã phản kháng và dành được sức mạnh bằng những cách không ngờ được. Tinh thần phản kháng được bồi đắp để chống lại cường quyền không phải lúc nào cũng thành công trong ngắn hạn, và nó sẽ là một thời kỳ đen tối đối với nhân quyền, nhưng sự hứa hẹn cho một nền dân chủ mà tôn trọng nhân quyền vẫn tiếp tục là viễn kiến đầy sức sống và vận động.

Đối với Việt Nam, HRW nhận định rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam độc quyền qua chính phủ, kiểm soát tất cả các tổ chức chính trị và xã hội, và trừng phạt những ai dám chỉ trích hay thách thức sự cai trị của nó. Nói chung tình trạng nhân quyền năm 2018 trở nên tồi tệ hơn so với các năm trước.
Báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) năm 2017/2018, trong trường hợp Việt Nam, thì cũng toàn màu đen. Đàn áp tiếng nói đối lập, các tù nhân lương tâm thì bị tra tấn và đối xử tồi tệ khác, và AI nêu ra bao quan ngại về tự do hội họp, chết trong khi bị giam giữ (đồn công an), án tử hình v.v…

Về trường hợp Hồng Kông thì AI nêu lên những quan ngại sâu sắc. Robert Godden, sáng lập viên và giám đốc của một cơ quan tư vấn nhân quyền có trụ sở tại Hồng Kông, từng là nhân viên làm việc cho AI, và cô Jennifer Wang, đã bị bắt giữ vào ngày 18 tháng 11 gần trường đại học Polytechnic. Các tổ chức xã hội dân sự tại Hồng Kông báo cáo rằng họ đã bị sách nhiễu, bị giải tán và bị thiệt hại trong khi hội họp với nhau. Họ cũng bị tấn công bởi hơi cay, đạn tiêu, súng nước mạnh tại những nơi mà hầu như không có bạo lực xảy ra và nơi mà chỉ có những người quan sát nhân quyền và ký giả cũng như những người bàng quan tập trung. AI kêu gọi chính quyền Hồng Kông thi hành một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập, không thiên vị, hiệu quả và nhanh chóng về việc sử dụng bạo lực bởi cơ quan công quyền trong suốt các cuộc biểu tình chống lại Dự luật Dẫn độ.

Tình trạng vi phạm nhân quyền tại Nga, Thổ Nhỉ Kỳ, Venezuela, Iran, Trung Quốc, Saudi Arabia, Miến Điện trong năm 2018 và 2019 cũng rất tồi tệ. Iran, một chế độ thần quyền, vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất vào cuối năm 2019 kể từ cuộc cách mạng 1979. Từ giữa tháng 11 vừa qua, người dân Iran đã biểu tình trên khắp 100 thị xã và thành phố, và chế độ đã phản ứng bằng cách đóng Internet trong nhiều ngày và đàn áp thô bạo người biểu tình. Theo AI thì chính quyền đã bắn giết 161 người, bắt giam hơn 7 ngàn người, tuy con số chính thức có thể cao hơn nhiều. Tờ New York Times thì ước đoán ít nhất 180 người, trong khi so với các cuộc biểu tình 10 năm về trước của Phong trào Xanh (Green Movement) thì chỉ có khoảng 72 người bị giết, theo CNN.

Trở lại trường hợp Việt Nam, ngày 11 tháng 11 năm nay tòa án Việt Nam đã tuyên phạt ông Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn, Trần Văn Quyền 12, 11 và 10 năm tù trong phiên xử chỉ vài tiếng đồng hồ. Ông Châu Văn Khảm là một công dân Úc mà còn bị đối xử như thế. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, người bào chữa cho ông Châu Văn Khảm, cho rằng chỉ có biện pháp can thiệp ngoại giao từ Úc mới là cơ hội mạnh mẽ nhất để mang ông Châu về lại Úc rất sớm.

Nhân quyền là giá trị thiêng liêng phổ quát cho toàn nhân loại, nhưng đồng thời nó cũng luôn bị tác động sâu sắc bởi các yếu tố địa chính trị/chính trị quyền lực, kinh tế chính trị (political economy), và quyền lợi quốc gia. Các chính quyền dân chủ lẫn độc tài cũng thường sử dụng nhân quyền để mặc cả nhau, như một món hàng hay một khí cụ. Biện pháp cấm vận/trừng phạt của chính quyền Hoa Kỳ đã góp phần tạo tối đa áp lực lên nền kinh tế và chính trị của Iran, đưa đến các cuộc biểu tình vào giữa tháng 11 nói trên. Hoa Kỳ và Úc, chẳng hạn, có thể thẳng thừng lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tại Iran vừa qua, nhưng sẽ không làm như thế đối với Việt Nam trong chiến lược chung là kéo Việt Nam về phía mình để cân bằng và kiềm chế sự trổi dậy của Trung Quốc hiện nay. HRW kêu gọi chính phủ Úc cần thúc ép Việt Nam tôn trọng nhân quyền vì “có ít nhất 131 người đang bị tù giam ở Việt Nam vì thực hành các quyền tự do cơ bản”, nhất là trước khi Thủ tướng Úc Scott Morrison viếng thăm vào cuối tháng Tám năm nay. Chính quyền Úc sẽ chọn thái độ nào?


Nhân quyền là giá trị cao cả và phổ quát cho mọi cá nhân trong bất cứ xã hội nào, nhưng nó không phải là mối quan tâm hay ưu tiên hàng đầu của mọi chính quyền. Các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài quốc gia đó đóng vai trò then chốt để cổ võ, đấu tranh và bảo vệ quyền con người. Bởi nếu chính họ không cùng nhau tích cực đấu tranh và bảo vệ thì mọi chính quyền, dân chủ hay độc tài, đều là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền và tự do của người dân.


Phạm Phú Khải
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad