Tắc đường sang Mỹ - Trung
Những ngày này, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đứng ngồi không yên vì mặt hàng này không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Từ tháng 3, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Mỹ đã yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS - đơn vị trực tiếp kiểm dịch, giám sát quy trình tại Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP.HCM).
Khi nhân viên của APHIS về nước, đại sứ Mỹ tại Việt Nam được ủy quyền theo dõi việc chiếu xạ, nhưng mỗi ngày chỉ làm việc 2 tiếng. Đáng chú ý, từ 7/8, do không phải chuyên môn của đại sứ Mỹ nên họ ngừng tiếp nhận việc kiểm dịch, kéo theo việc chiếu xạ bị ngưng trệ, xuất khẩu trái cây sang Mỹ ách tắc.
Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, các đơn hàng giao cho khách phía Mỹ đang bị ngưng lại, doanh nghiệp rất khó thu mua nguyên liệu cho nông dân.
Hiện chỉ có thể chờ đợi phía Mỹ bố trí người sang Việt Nam để khâu chiếu xạ vận hành trở lại chứ không thể làm được gì khác, bà chia sẻ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, nếu việc ách tắc kéo dài sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Mỹ. Đặc biệt, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu trái cây cho nông dân sẽ lỗ. Bởi kể cả không xuất được, họ vẫn phải trả tiền cho nông dân.
Không chỉ “tắc đường” sang Mỹ, dịch Covi-19 khiến hoạt động xuất khẩu rau quả bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, 7 tháng năm 2020, xuất khẩu rau quả chỉ đạt gần 2 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn đứng thứ thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 với 59,4% thị phần. Song, nửa đầu năm nay, lượng rau quả xuất sang thị trường 1,4 tỷ dân này lại giảm tới 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cho hay, sản lượng nhãn của Sơn La khoảng 75.000 tấn, xuất khẩu chỉ chiếm 1.500 tấn. Với nhãn xuất khẩu chính ngạch, thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc đặt ra tiêu chí, điều kiện phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhưng diện tích này không nhiều. Trong khi, xuất khẩu nhãn tiểu ngạch qua các chợ biên giới hiện cũng ngưng trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trái cây dội chợ, giá rẻ như rau
Nhãn trúng mùa nhưng chưa có năm nào người nông dân lại gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ như năm nay. Có thời điểm giá giảm còn 5.000 đồng/kg, vị lãnh đạo tỉnh Sơn La thừa nhận.
Hiện ở Hà Nội, nhãn lồng Hưng Yên, Sơn La được bày bán la liệt, chất đống với giá siêu rẻ, chỉ từ 15.000-30.000 đồng/kg tùy loại. Nhà vườn, tiểu thương bán nhãn đều thừa nhận giá nhãn rẻ chưa từng có.
Việc gặp khó trong xuất khẩu cũng khiến giá hàng loạt mặt hàng trái cây giảm mạnh, có loại giá chạm đáy rẻ hơn giá rau ngoài chợ.
Đầu tháng 8 vừa qua, nhà vườn trồng thanh long tại xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) phải bán 3.000 đồng/kg, trong khi tháng trước giá xuất bán tại vườn vẫn ở mức 15.000-16.000 đồng/kg.
Nhiều nhà vườn trồng thanh long ở Đồng Nai cũng đang lo sợ đổ nợ vì hàng tấn thanh long không xuất bán được, trong khi giá thanh long ruột trắng giảm chỉ còn 1.000 đồng, thanh long ruột đỏ 2.000-5.000 đồng/kg. Nông dân trồng thanh long tại xã Cư Êbur (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng khóc ròng vì giá giảm chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.
Thời điểm giữa tháng 7, tại một số tỉnh ĐBSCL, giá mít Thái giảm xuống mức 6.000-7.000 đồng/kg. Ở Đồng Nai, giá chuối già xuất khẩu bán tại vườn giảm mạnh, chỉ còn từ 3.000-4.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều lần so với mức giá 15.000-16.000 đồng/kg vào thời điểm mặt hàng này xuất khẩu tốt.
Trước việc hàng loạt trái cây dội chợ, giá giảm mạnh do bí đầu ra, ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã có buổi làm việc cùng ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Phòng Tham tán Kinh tế thương mại (Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam) về việc tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó, có nhãn lồng Hưng Yên đang vào vụ thu hoạch chính.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nhãn, Sở Công Thương Hưng Yên tích cực kết nối, mời gọi doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ nhãn tươi; tổ chức hội nghị trực tuyến với doanh nhân Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu nhãn. Bên cạnh đó, Hưng Yên đang có chính sách hỗ trợ kinh phí mua máy sấy để nâng công suất chế biến long nhãn, giảm áp lực tiêu thụ cho quả nhãn tươi.
Tương tự, ngoài việc hỗ trợ các cơ sở chế biến long nhãn, tỉnh Sơn la cũng đẩy mạnh tiêu thụ nhãn tại thị trường trong nước, chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Lào và Campuchia với số lượng lớn.
Đối với thị trường Mỹ, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ cuối tháng 7, APHIS đã đồng ý cử nhân viên sang Việt Nam để kiểm dịch cho các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái phát nên việc cấp phép thủ tục lên máy bay gặp khó khăn từ cả hai phía.
Cục Bảo vệ thực vật đang nỗ lực tìm chỗ trên một số chuyến bay của Asiana, Korean Air, Nippon Airlines và các chuyến bay của bảo hộ công dân... để nhân viên kiểm dịch của APHIS sang Việt Nam sớm nhất có thể, ông Hiếu cho hay.
© Tâm An | VietnamNet
Không có khách hàng khó tính, chỉ có thượng đế đòi chuẩn mực
Gần nhà có cô bán hoa quả, tôi vẫn hay mua, khi thì cân cam, khi chùm nhãn... vì tiện. Một lần thấy cô lấy cái chổi sơn quấn giẻ quẹt vào cái bát đựng nước gì đó và bôi lên quả dưa hấu. Hỏi thì cô bảo, đây là chất bảo quản cho hoa quả tươi lâu. Hỏi có độc không thì cô cười, bác khó tính quá, cả chợ vẫn bôi, dân mua ào ào, ăn liên tục, nhưng chưa ai chết như Covid-19 bên Mỹ. Bác ngại thì lấy quả này chưa bôi gì.
Khó tính hay chuẩn mực?
Lúc nấu ăn, tôi hay mở đài FM của VOV, nghe thấy các chuyên gia bàn về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), chuyện xuất khẩu nông sản đi các thị trường như Nhật Bản hay Mỹ.
Điều lạ lùng, các chuyên gia khi bàn về xuất khẩu hay có câu cửa miệng như thành thói quen, gán cho các thị trường trên là “khó tính”. “Dễ tính” được cho là thị trường Lào, Campuchia, Trung Quốc hay chính Việt Nam mình.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... là những thị trường có nhiều quy định như xuất xứ nguyên liệu, chất lượng thực phẩm, bảo vệ môi trường, thậm chí liên quan đến quyền con người như Mỹ cấm nhập hàng hóa do trẻ em hay tù nhân sản xuất. Với hàng thực phẩm, Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn dùng chất bảo quản, nhưng bao nhiêu vừa đủ tươi mà không độc hại cho người tiêu dùng, đó mới là chuẩn mực.
Khi ký hiệp định thương mại tự do song phương thì hai bên thỏa thuận với nhau về chuẩn mực. Có chuẩn rồi, mình cố gắng sản xuất hàng hóa đạt chuẩn, tạo uy tín lâu dài, để khi xem hàng có dòng chữ Made in Vietnam, khách phương xa khỏi nghi ngờ về chất lượng hay lo lắng về sự an toàn thực phẩm như dân ta nhìn hàng Made in Japan của Nhật Bản với sự tin cậy tuyệt đối.
EVFTA khi được thực hiện là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỉ đô la Mỹ, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 41,5 tỉ đô la và nhập khẩu 14,9 tỉ đô la.
Ngày 1-8-2020, khi EVFTA có hiệu lực, EU bắt đầu xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau bảy năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đọc nội dung EVFTA thấy Việt Nam được lợi hơn EU. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam coi đây là cơ hội vàng. Nhưng muốn biến cơ hội này thành “vàng” thật thì não trạng phân biệt “khó tính” và “dễ tính” phải thay đổi.
Đã sản xuất ra hàng hóa thì phải đạt chuẩn mực và nếu vượt thì càng tốt. Tham gia hội nhập lớn thì không có khách hàng khó tính, chỉ có khách hàng đòi hỏi sự chuẩn mực, mới mong làm ăn lâu dài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Tờ báo Hoàn Cầu của Trung Quốc có bài tỏ ra “bình tĩnh” trước EVFTA của EU với Việt Nam, vì cho rằng, quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc lớn hàng trăm tỉ đô la và thị trường Trung Quốc vốn dễ dãi, nên chả có gì... “đáng ngại”. Bài báo còn chỉ ra, Việt Nam còn phụ thuộc lâu dài vào nguyên liệu từ Trung Quốc như bông, vải sợi.
Chuyện vui về cà phê xách tay sang EU
Tôi có người bạn người Việt làm cho Ngân hàng Thế giới (WB) bên Brussels (Bỉ). Dù là dân công nghệ nhưng anh nói về cà phê như chuyên gia. Chả là anh từng vác 10 ki lô gam cà phê hạt sang “thủ đô” EU để quảng cáo cho thương hiệu Việt. Vài ngày sau quay lại những chỗ mình “ký gửi” hỏi, cà phê “Made in Vietnam” thế nào. À, để chỗ kia kìa, là gần... sọt rác. Họ nói các anh sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới, nhưng chưa biết tinh chế.
Anh thừa nhận, đa số dân Âu rất chuẩn trong việc ăn uống. Họ mua cà phê rồi chế biến. Họ có thể chế biến cho từng khẩu vị, khi chua, khi đắng, đắng chua. Khách hàng là thượng đế, kiểu gì cũng đáp ứng. Trong siêu thị EU cũng có cà phê của Việt Nam, loại hòa tan, đường rất nhiều, trong khi dân châu Âu sợ đường, lại không biết nguồn gốc trồng ở đâu. Không bán được thì bảo họ khó tính. Anh bạn không hiểu thói quen đó nên 10 ki lô gam cà phê xách tay coi như một bài học nhỏ.
Anh kể có bà cô buôn cà phê nên hiểu chân tơ kẽ tóc loại hạt nào tốt. Dù buôn hàng chục tấn, nhưng khi ngồi rỗi, bà vẫn để một mẹt hạt, lấy cán bút chọn hạt ngon nhất, đều nhất cho ra một chỗ để bán cho khách hiểu cà phê.
Sau này bà cô đầu tư cái máy sàng lọc có tia laser chọn hạt theo ánh sáng, hạt nào đạt chuẩn cao bắn sang một thùng, hạt nào vừa vừa cho sang thùng khác, hạt vớ vẩn cho vào đống pha tạp. Hạt cao cấp rang xay cẩn thận, đôi khi gửi sang EU để chào hàng, còn đống hạt tạp nham bán cho các quán vỉa hè, rang xay thế nào, tẩm cái gì là do chủ quán.
Cà phê do người Pháp mang sang Việt Nam trồng cả thế kỷ rồi mà xứ ta chưa có thương hiệu quốc tế, cũng bởi dân nghiền mãi “chém gió” triết lý cà phê với loại đắng của ký ninh, ngô rang cháy.
Xứ ta đang tìm đạo cà phê thì Ethopia của châu Phi có cà phê được trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và chế biến theo chuẩn Pháp, đang làm mưa gió trên thị trường quốc tế. Một ký cà phê của họ có giá 1,3 triệu đồng tại Sài Gòn.
Mong rằng cà phê Việt sẽ thành danh ở EU cùng với EVFTA như nhiều mặt hàng khác với một thay đổi trong não trạng: không có khách hàng khó tính mà chỉ có “thượng đế” đòi chuẩn mực. Cà phê xứ ta phải phấn đấu đạt chuẩn EU, doanh nghiệp và người tiêu dùng không dễ tính chấp nhận cô bán hoa quả đầu làng tẩm gì cũng xong, thì khi đó EVFTA mới thực sự là cơ hội vàng cho người Việt.
© Hiệu Minh
The Saigon Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét