Khát vọng công dân - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Khát vọng công dân


Hình minh họa:


Như thế là Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã đặt tay phải lên bản Hiến Pháp, đưa tay trái lên phía trái tim mà thề sẽ trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân. Đây là chuyện đáng mừng. Mừng là vì ba vị này thề đặt tổ quốc trên hết, không như Nguyễn Phú Trọng đặt Cương Lĩnh của Đảng lên trên Hiến pháp cho dù ông ta không tuyên thệ với ai cả, cứ mặc nhiên ngồi lên trên tất cả. Chuyện này cứ như trêu ngươi việc thề thốt trang nghiêm nói trên. Nhưng thôi, chuyện này nói sau. Cứ tàm tạm vậy đã. Vì quá trình cơ cấu lãnh đạo càng kéo dài thì dân càng khổ. Ngân sách phải chi cho kinh phí tổ chức các kỳ đại hội lấy từ đâu, nếu không phải từ tiền thuế của dân. Hãy tính thử một cái pa nô “nhiệt liệt chào mừng” dựng bên vệ đường có giá thành là bao nhiêu, cộng thêm cái giá “phết phẩy” khi trình duyệt nữa là bao nhiêu, rồi “cân nhắc” để “quyết toán” là bao nhiêu thì sẽ ra số tiền thuế của dân phải bỏ ra. Xong sớm ngày nào thì dân đỡ tốn kém ngày ấy. Tạm mừng đi đã, là vì vậy.


Ở trên càng gay cấn trong việc “xếp ghế” thì ở dưới càng bấn loạn. Dân gian có câu “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” cấm có sai. Ở trên “trung ương cơ cấu” thì rồi tỉnh, huyện, xã cũng phải cơ cấu theo cho tương thích với các nhóm lợi ích theo đúng quy trình sắp xếp, thuyên chuyển cán bộ. Ấy thế mà rồi đây, nếu không có đột biến bất ngờ, thì cả ba vị phải một lần nữa diễn lại tiết mục trang trọng thề trước Quốc Hội mới. Quốc hội cũ hay quốc hội mới thì cũng rứa . Các chuyên gia về luật pháp thì nói rõ rằng khi để Quốc hội khóa cũ bầu nhân sự nhà nước cho khóa mới không chỉ lách luật mà là phớt lờ luật pháp. Theo luật gia Hoàng Ngọc Giao, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của những người đứng đầu cơ quan nhà nước phải làm cho trọn, cho đến khi được Quốc hội mới bầu cho mãn nhiệm để bầu người mới, như vậy mới có một nhà nước đàng hoàng, nhà nước pháp quyền, ít nhất là về mặt hình thức. Còn làm như thế này là hơi “nhom nhem”. Có người thì giải thích rằng, buộc phải “lách luật”, phải “phớt lờ luật pháp” là để tránh xảy ra một “khoảng trống quyền lực”! Vì sao mà có “nỗi sợ” ấy?



Có lẽ phải hỏi ông Trọng. Phải chăng, gay go lắm mới thu xếp tạm ổn cái ghế cho những nhóm quyền lực, phải hợp pháp hóa ngay, tránh chuyện “đêm dài lắm mộng”, lại nảy nòi ra những “nhân tố mới” bất ngờ biết đâu mà lần? Đã đặt “Cương lĩnh của Đảng” lên trên Hiến pháp rồi thì Bộ Chính trị đã quyết, tức là “ta” đã quyết rồi, thì cứ thế mà làm, chần chừ sinh biến loạn, hay gì! Xưa kia vua Louis XIV của nước Pháp từng nói “Nhà nước là ta” [L'État, c'est moi] chứ bây giờ ta có “Bộ Chính trị” “dân chủ hơn nhiều”, có gì phải ngại. Tất cả những gì đã và đang diễn ra vừa bình thường, vừa bất bình thường, cho thấy những rối ren của thời cuộc đang báo hiệu một sự chuyển mình của đất nước. Xin gợi ý thêm, nếu có cuộc thề lần hai trước Quốc Hội khóa 15 thì ba vị nên đặt tay lên bản Hiến Pháp 1946 mà Quốc hội khóa thứ nhất đã biểu quyết ban hành.


Nếu có một cái nhìn lịch sử, sẽ hiểu ra rằng, dòng sông cuộc sống là liên tục và không êm ả phẳng lặng chút nào, mà luôn sôi trào cuộn chảy qua những thác ghềnh, uốn lượn theo địa hình, vòng vèo, lên xuống, có lúc cứ tưởng như như trôi ngược về nguồn, nhưng thật ra cũng để chảy xuôi về biển. Sức mạnh của dòng sông ấy cuộn chảy từ bên dưới. Càng gặp lực cản mạnh, sức nước càng dồn lại, tức nước vỡ bờ.


Thì chẳng phải lịch sử đã có một giai đoạn đen tối thời vua Lê chúa Trịnh và kết thúc bằng bi kịch vua Lê Chiêu Thống vời Tôn Sĩ Nghị kéo quân Thanh vào. Nhưng thời đoạn đen tối đó lại tạo ra người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, vang danh sử sách! Triều đại Tây Sơn chỉ kéo dài được 14 năm để rồi Nguyễn Ánh từ lúc thua chạy, quân tướng tan tác cho đến lúc toàn thắng, thống nhất được sơn hà, đặt tên nước là Việt Nam, mở ra triều đại mới kéo dài hơn hai trăm năm, trong đó 100 năm là thuộc địa của Pháp, kết thúc vào tháng 8 năm 1945.


Sóng ngầm càng chảy mạnh thì bèo bọt, rác rưởi càng trồi lên trên bề mặt, trôi giạt vào hai bên bờ. Nhìn lại non một thế kỷ qua, đất nước ta đã trải qua biết bao thăng trầm với những cột mốc lớn, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với Tuyên ngôn Độc lập 2 tháng 9 khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ, tiếp đến cuộc Chống đế quốc Mỹ Cứu nước kéo dài 9 năm, kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ trên bầu trời Thủ đô, non sông quy vào một mối.


Nhưng rồi, dân tộc lại bị trầm luân trong quy nghiệt ngã của sự tha hóa quyền lực. Thay vì “quyền hành và lực lượng đều nơi dân” “dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ 1 như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo ngay từ những ngày chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, thì khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, “quyền lực tuyệt đối thì tha hóa [thối rửa] cũng tuyệt đối ”. Xin dẫn ra vài con số đã được công khai trên các trang báo chính thống để chỉ ra sự “tuyệt đối” đó : Quá trình từ Đại hội XII đến Đại hội XIII đã phải xử lý kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó có 23 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng. Đặc biệt là “Tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018”! Những điều này dễ thấy vì đã nổi trên mặt nước. Phần chìm của tảng băng mới đáng sợ hơn nhiều.


Thực ra, cuộc chiến quyền lực là phổ biến ở tất cả mọi thể chế . Trong Mênh mông thế sự …số 107 tôi đã dẫn ra luận điểm của Pareto : “Lịch sử, chẳng có gì khác hơn là “nghĩa địa của thiểu số thống trị": thiểu số này nằm xuống thì thiểu số khác lên thay. Và vì bản chất của thiểu số nằm xuống khác với bản chất của thiểu số đang vươn lên, cho nên lịch sử biến chuyển… Cơ cấu nào, nhiệm vụ nào đều có khuynh hướng tự nhiên là phân biệt ra mãi; một đảng cũng thế, lúc đầu là quần chúng, sau đó là những người cầm đầu, những người nắm những chức vụ thường xuyên. Các tay làm chính trị chuyên nghiệp đẩy dần vào bóng đêm những người đã có công xương máu, để nắm thực quyền trong mọi tổ chức… ở đâu cũng chỉ một luật thép này thôi: "Luật thép của thiểu số". Đó là câu nói và lý thuyết nổi tiếng của Roberto Michels… trong bất cứ chính thể nào, dân chủ hay không, quyền hành đều nằm trong tay một nhóm người ”. Đó là bi kịch của con người trong khát vọng dân chủ và tự do, là bi kịch của việc trao quyền, ủy quyền rồi bị mất quyền, bị cướp quyền.



Nhằm cố gắng hóa giải bi kịch đó , Montesquieu, nhà khai sáng người Pháp đã khởi xướng nền dân chủ pháp trị. Montesquieu coi pháp luật là phương tiện hữu hiệu trong việc duy trì trật tự xã hội và chế ước quyền lực nhà nước. Nền dân chủ pháp trị ấy phải theo nguyên tắc tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Không có bộ phận quyền lực nào được coi là tối thượng; trong đó, mỗi bộ phận vừa hoạt động độc lập, vừa chịu sự kiềm chế, kiểm soát, ràng buộc của các bộ phận khác. Cho dù vẫn còn có những hạn chế, nhưng đây là một cột mốc quan trọng trên hành trình con người đi tìm dân chủ và tự do. Đó là một thành tựu của nền văn minh mà nhân loại đạt được.


Khi phủ nhận thành tựu đó, Nguyễn Phú Trọng tùy tiện quy kết rằng, ai đề cập đến “tam quyền phân lập” là suy thoái về đạo đức, sai lầm về tư tưởng, cần phải đấu tranh loại bỏ! Sự tùy tiện tệ hại đó nhằm duy trì thể chế độc tài của một nhóm người giành được quyền lực nhân danh “Đảng lãnh đạo” đã đẩy cái gọi là “nhà nước pháp quyền XHCN” vào bóng đêm của sự chuyên chế của chế độ toàn trị phản dân chủ mà “triều đại” Nguyễn Phú Trọng là kết cục bi thảm của chế độ toàn trị phản dân chủ ấy. Đó là một hệ lụy không tránh khỏi sau một chuỗi dài của việc phải đưa ra những chức danh lãnh đạo “tình thế” dưới sức ép của “Hội nghị Thành Đô” mà ông Nguyễn Cơ Thạch cảnh báo là “Một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu”.


Gọi là “chức danh lãnh đạo tình thế” là chọn người lãnh đạo không phải do tài năng, đức độ mà là tạm thời thỏa mãn được đòi hỏi của bối cảnh phức tạp trong mối tương quan giữa những thế lực chính trị cứng rắn, quyết liệt hay dung hòa, thỏa hiệp với sức ép của Bắc Kinh.


Nông Đức Mạnh là một ví dụ điển hình. Chẳng những không có tài cán gì mà lại bê bối về nhân cách, khiến con cái phải đâm đơn tố cáo, vậy mà ông ta có 16 năm ngồi trên cái ghế quyền lực cao ngất ngưỡng : 8 năm Chủ tịch Quốc hội, 8 năm Tổng Bí thư, và nay vẫn đều đặn xuất hiện trong tư cách nguyên Tổng Bí thư trong mọi hoạt động, hội họp mang tính nghi lễ quan trọng nhất. Tuy vậy, ông ta chưa phải là người “khát vọng quyền lực” đến mức phải dẫm đạp lên Điều lệ Đảng sau khi đã bằng bao nhiêu mưu hèn kế bẩn để ngồi bằng được vào cái ghế Tổng Bí thư. Mà ngồi vào đó được còn là vì đã đáp với được đòi hỏi của Tập Cận Bình,“người đồng chí cùng ý thức hệ XHCN”. Cho nên “kiên định lập trường XHCN” là điều kiện tiên quyết đối với Nguyễn Phú Trọng.


Ấy vậy mà, trong một bài viết gần đây, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ đã đưa ra một luận điểm giàu sức thuyết phục : “chuyện ý thức hệ và sự đối kháng sai lầm của CNTB và CNXH đã cản trở nhiều đối với sự phát triển của nền kinh tế. Nay cần tiếp tục giải phóng về tư tưởng và khắc phục tình trạng này để nhanh chóng tiến lên, trở thành một dân tộc và quốc gia phát triển. Chỉ có phát triển thì quốc gia mới tồn tại được, nền độc lập dân tộc mới gìn giữ được, đồng thời mới có thể tiến lên CNXH. Không phát triển thì chẳng có CNXH nào đâu, thậm chí còn mất độc lập và mất nước nữa”. Tác giả của bài viết quan trọng này chỉ rõ : “ Ở Trung Quốc người ta còn gọi hai loại kinh tế này là họ “Xã” và họ “Tư”. Ở Việt Nam uyển chuyển hơn, gọi là Kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng về cơ bản thì không khác là mấy so với Trung Quốc. Sự phát triển của Trung Quốc đến nay không khác là mấy so với CNTB thời kỳ hoang dã - tình trạng mà thế giới tư bản đã và đang bỏ qua để phát triển CNTB hiện đại. Ngay cả ở Việt Nam ta, “lợi ích nhóm” và “CNTB thân hữu” cũng rất nặng nề, mà chắc chắn thứ ấy thì CNTB cũng không cần và càng trái ngược với mục tiêu XHCN”.


Cuối cùng thì con người dù hệ tư tưởng này hay hệ tư tưởng khác cũng phải quay về và gặp nhau ở tính nhân văn, nhân bản. Các giá trị văn hóa chung của nhân loại sẽ trường tồn. Khoảng giữa của các hình thái kinh tế - xã hội hay các giai đoạn phát triển khác nhau đều có những đặc điểm xen kẻ, “vừa là” thế này, “vừa là” thế kia, chứ không phải “hoặc là”. Điều đó là biện chứng. Nó là sự nối tiếp, kế thừa và chia sẻ chứ không phải đối lập và loại bỏ ”.2


Đóng chết cứng tư duy trong não trạng giáo điều, bảo thủ, luôn mồm nói đến “biện chứng” nhưng quả thật con người sính “biện chứng” ấy không hiểu được thực chất của biện chứng là gì. Vì thế sự “kiên định” của ông ta sẽ dìm chết mọi khát vọng đổi mới để đột phá tìm đường đi cho dân tộc trong một thế giới đầy biến động dữ dội mà đứng yên là tự phủ định chính mình.



Sự kiên định lập trường XHCN của Nguyễn Phú Trọng cũng chính là duy trì một CNTB thời kỳ hoang dã - tình trạng mà thế giới tư bản đã và đang bỏ qua để phát triển CNTB hiện đại. Hãy nhìn đến thực trạng của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, “các nhóm lợi ích” đang chi phối chính trường từ địa phương lên đến trung ương sẽ hiểu ra sự “kiên định” của Nguyễn Phú Trọng có hình hài, diện mạo ra sao! Những rối ren, lúng túng trong cơ cấu nhân sự cho Đại hội Đảng theo đúng “quy trình” của cuộc chiến quyền lực đã cho thấy những mâu thuẫn giữa lực lượng cần


đổi mới để phát triển và thế lực bảo thủ muốn giữ nguyên hiện trạng để nhận được sự hậu thuẫn của “thiên triều” mà giữ được cái ghế quyền lực và lợi ích đi liền với nó. Liệu thời cuộc sẽ diễn biến ra sao?


Chẳng phải người xưa đã dạy “vật cực tất phản, 物极必反 bỉ cực thái lai 否極泰來 đó sao! Một tình huống, khi diễn biến đến điểm cực độ thì sẽ có thay đổi, từ tốt chuyển thành xấu, từ xấu lại chuyển thành tốt, vận xấu đi đến cực điểm thì vận may sẽ đến. Vận mệnh của dân tộc trong dòng chảy lịch sử đã chứng minh điều đó. Thiền sư Vạn Hạnh thế kỷ XI từng viết Nhậm vận thịnh suy vô bố uý, Thịnh suy như lộ thảo đầu phô


Thịnh suy chẳng qua như giọt sương treo đầu ngọn cỏ. Đạt đến thông hiểu [nhậm vận] thì sự thịnh suy chẳng có gì phải sợ hãi. Thân phận và hoàn cảnh một con người cũng có thể vận hành tương tự. Trong sử Tàu, Khương Tử Nha là một ví dụ khá điển hình mà các cụ ta xưa hay dẫn giải. Ông ta từng


bị vợ đuổi ra khỏi nhà vì cho là vô tích sự, nhiều năm ngồi câu cá bên bờ sông Vị Thủy để chờ thời, đến năm 72 tuổi mới gặp được Cơ Xương tức là Chu Văn Vương, gây được nghiệp lớn.


Đấy là nói chuyện xưa, chứ nay thì cái tuổi 72 bị xem là “quá đát” lâu rồi, trừ trường hợp siêu đặc biệt, được phép dẫm lên điều lệ đảng để đi tới bằng “mái đầu bạc trắng hiên ngang, với “gánh sơn hà nặng trĩu hai vai” đã “khơi nguồn tự hào dân tộc” như lời tụng ca của một ngài giáo sư tiến sĩ nọ đã “đi vào lịch sử” với cái máu bốc thơm, nịnh thối “truyền trong máu” 3. Rồi không biết có liên quan gì không trong “huyết học” giữa bố và con mà báo


Tuổi trẻ cấp tập đăng lại bài viết từ 2017 về hai bố con với lời huấn thị vô liêm sỉ :“ Bố nhờ biết nịnh mà được cấp trên "bằng lòng", tà tà mà thăng tiến. Bố chỉ biết nói với mày “vô nịnh bất trượng phu”4.


Xem ra, chuyện bố dạy con này đâu chỉ là hài hước châm biếm, mà là phản ánh một thực trạng phổ biến về sự sa đọa nhân cách, sự băng hoại của đạo lý, sự bục vỡ của hệ thống giá trị trong ứng xử xã hội. Dường như đây là điểm “vượt ngưỡng” đẩy tới sự bục vỡ của cái hiện tồn - trạng thái cũ - để chuyển sang một cái khác với nó - trạng thái mới – thúc đẩy sự phát triển. Chẳng thế mà Hegel nói rằng cái ác thúc đẩy sự phát triển lịch sử! Theo lập luận của nhà triết học Đức vĩ đại, ác là hình thức, trong đó biểu hiện động lực của sự phát triển lịch sử. Với ông, chính những dục vọng xấu xa của con người – lòng tham và khát vọng quyền lực – đã trở thành đòn bẩy cho sự phát triển lịch sử". Chưa bao giờ mà sự bục vỡ hệ thống giá trị khiến cho tất cả đều được quy chiếu vào đồng tiền, các chức danh trong hệ thống quyền lực đều có giá cả!



Vì thế mà nỗi mong ước công dân trước tiên là các nhà lãnh đạo vừa tuyên thệ là : Hãy loại bỏ ngay những “bậc trượng phu” nọ dưới trướng của mình, để nghe được những lời nói thật của người dân, trong đó cố lắng nghe những lời trái tai, bởi lẽ “trung ngôn nghịch nhĩ”.


Vậy thì xin nói thật đôi điều :


Trong lời thề và diễn từ nhậm chức của cả ba vị, tôi chưa nghe được âm vang của hai tiếng “dân chủ và tự do”. Vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định


: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”5


Đành rằng nghe kỹ thì, diễn từ của Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ đều thành kính nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với những từ “vĩ đại”, “soi đường chỉ lối”, “không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.


Nhưng chúng tôi, những công dân bình thường, lại chỉ muốn nghe những lời giản dị dễ hiểu, đi thẳng vào lòng người theo kiểu “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” hoặc “Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài”… Những lời thiết thực ấy được nói đến sau Tuyên ngôn Độc lập không lâu, khi Chính quyền cách mạng còn trong trứng nước.


Để hôm nay, sau 76 năm thì diễn ra tội ác bắn chết rồi mổ bụng lão nông Lê Đình Kình 84 tuổi đời, 56 tuổi đảng – một tội ác “trời không dung đất tha”, và rồi những con tốt thí lập tức được Nguyễn Phú Trọng thăng hàm vượt cấp và tặng thưởng Huân chương Chiến công! Cùng với Đồng Tâm, vụ án Hồ Duy Hải kéo dài sự phẫn nộ của công chúng dẫn đến phiên Tòa Giám Đốc Thẩm bị Ủy ban Pháp chế của Quốc hội vạch rõ sai lầm từ quá trình điều tra, xét xử và phán quyết, thế nhưng kẻ cầm đầu lại được Nguyễn Phú Trọng bao che và nâng đỡ, đưa vào Bộ Chính trị. Đây là sự phơi bày trắng trợn một nền tư pháp giày đạp lên công lý .


Song hành với nền tư pháp ấy là thị trường mua quan bán chức đang hối hả phát triển : “một chức Vụ phó “bé tí hin” mà phải mặc cả để mua là 27 tỷ đồng, vậy cao hơn, to hơn cỡ Vụ trưởng, Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng, Ủy viên TƯ là bao nhiêu” như một nhà báo có tên tuổi nọ đã viết. Hơn hai thập kỷ trước đây Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đức Tâm đã từng chỉ ra “tệ nạn chạy chức, chạy quyền. Chức nhỏ tiền bỏ ra ít. Chức càng to thì tiền bỏ ra để chạy càng lớn. Bỏ ra rồi thì phải thu lại vốn chứ”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì báo “Pháp luật TP Hồ Chí Minh” đã giật tít đậm trên trang nhất.


Cái lò của ông Trọng vẫn được bơm thổi nhưng kết quả và hệ lụy của nó ra sao thì ai nấy đã thấy. Rầm rộ đốt lò, củi khô, củi tươi được hối hả ném vào. Gắn với việc quét tìm “củi”, là rộn ràng những phiên tòa với những “án bỏ túi”, theo sau là những “phóng sự lá cải” của những cây bút vô lương tâm, uy hiếp những chủ doanh nghiệp yếu bóng vía – sân sau của ai đó, và là vây cánh của ai đó to hơn, thế lớn hơn


– phải tìm cách lấy lòng “nhà báo”, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Một “thị trường” nhộn nhịp, hối hả, sống động và bất lương của người bán, người mua cái mặt hàng đắt khách là những cái ghế quyền lực, gắn với nó là người chạy án với “tiền tươi, thóc thật”. Có người “chạy” tức là có người tiếp sức và ngã giá theo kiểu văn hào Nguyễn Du đã miêu tả “có ba trăm lạng việc này mới xong” !



Thì chính mồm ông Trọng nói ra trong buổi họp báo giới thiệu kết quả Đại hội XIII ngày 1.3.2021 về “chiếc valy đầy ắp đô la mang đến Ủy ban Kiểm tra TƯ” chứ nào ai khác! Bà Phó Chủ tịch Nước thì than thở : “Tôi càng đi càng thấy buồn, họ ăn của dân không từ một cái gì”. Nếu “dân chủ là để cho người dân mở miệng ra” thì “học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trước hết là thành tâm làm cho dân mở miệng ra về chuyện cái valy đựng đôla nọ mà trong lúc say sưa với cái ghế vừa giành được ông Trọng đã bất cẩn phun ra. Cùng với chuyện đó, phải tạo điều kiện để cho “dân mở miệng ra” trước những điều hư hỏng của cán bộ đảng viên hàng ngày hạch sách, dọa nạt, trấn lột người dân thấp cổ bé họng bị họ ăn của dân không từ một cái gì.


“Ăn” bao nhiêu cũng không đủ bởi lẽ không thể chỉ “ăn” một mình. Muốn nuốt cho trôi thì phải biết “luật”, phải cống nạp cho cấp trên, biết khôn khéo bôi trơn cái guồng máy tham nhũng từ dưới lên trên. Chưa thời buổi nào mà sự đúc kết của người xưa lại sống động và rộn ràng đến thế : “những của cải đoạt được bằng thủ đoạn bội nghịch thì cũng sẽ bị người ta dùng thủ đoạn bội nghịch mà tước đoạt đi. [Hóa bội nhi nhập giả, diệc bội nhi xuất] [货悖而入者,亦悖而出]. Cái vòng luẩn quẩn ấy đang diễn ra trước mắt công chúng.


Cũng chính vì vậy, bộ máy quyền lực phải tìm cách không cho công chúng mở miệng ra. Bóp nghẹt báo chí, chỉ được nói những gì mà nhà cầm quyền cho phép.Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia toàn thế giới về Chỉ Số Tự Do Báo Chí năm 2020. Đây là xếp hạng do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới –RSF- [Reporters Sans Frontiers] công bố vào ngày 21 tháng 4. RSF xếp Trung Quốc ở vị trí 177 và Việt Nam 176 trong bảng World Press Freedom Index 2019, đánh giá tình trạng tự do báo chí toàn cầu. Một vài tờ báo “siêu chính thống” trong nước gần đây đã lớn tiếng lên án cái bảng World Press Freedom Index 2019 ấy theo kiểu điếc không sợ súng. Họ biết rõ kiểu viết này chỉ là “cả vú lấp miệng em”, tung ra những điều lừa mị bịp bợm để hù dọa đám dân đen, nói thế chứ nói hơn nữa thì cũng chẳng ai lạ.


Chỉ có điều, trong khi Việt Nam với tư cách thành viên của ASEAN sẽ ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ, thì những “tuyên bố” và viết lách kiểu ấy là “lợi bất cập hại”. Nhân quyền vẫn là một vấn đề cực lớn mà những nhà lãnh đạo mới, với những cố gắng ghi dấu ấn của mình, thì ngoài việc phải tập trung toàn lực vực dậy nền kinh tế, phải có một cách nhìn mới, hành động mới tương thích với xu hướng chung của thế giới và khu vực. Nếu không thì “trong bối cảnh trật tự thế giới đầy biến động và bất định, các nước yếu hơn trong khu vực như Việt Nam dễ bị mắc kẹt trong cuộc ganh đua quyền lực giữa các nước lớn”6


Trong “Hướng dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Tạm Thời” (ngày 3/3) chính quyền Biden đã nhắc đến Việt Nam như một đối tác chính: “Chúng ta sẽ làm việc với New Zealand, Singapore, Việt Nam, và các thành viên ASEAN”. Nhưng chính quyền Biden cũng có một số điểm khiến Hà Nội lo ngại. Theo Le Monde (23/3), “Biden là Trump cộng với nhân quyền”, mà vấn đề nhân quyền lại rất “nhạy cảm” đối với Hà Nội.


Còn theo nhận định của Grossman, chuyên gia về chính sách quốc phòng và đối ngoại Việt Nam của Mỹ, mối quan hệ song phương giữa hai cựu thù “đang tốt hơn bao giờ hết kể từ sau khi chiến tranh kết thúc” và “nhiều khả năng sẽ tiếp tục như vậy”. Grossman cũng cho rằng Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là “đối tác toàn diện”, trên thực tế là hoạt động ở mức “chiến lược. Điều này đã được thể hiện qua nhận định gần đây nhất của Daniel Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, rằng hai nước hầu như có lợi ích song trùng về vấn đề an ninh và ổn định khu vực. Điều đó lý giải vì sao chính quyền Biden quyết định coi Hà Nội là một đối tác chính ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi đưa tên Việt Nam, mà không phải là hai đồng minh của Hoa Kỳ ở khu vực là Philippines và Thái Lan, vào Hướng dẫn Chiến lược An ninh Tạm thời mới được công bố hồi đầu tháng này.


Trở ngại đặt ra cho sự hợp tác này là gì, cũng theo nhà phân tích Grossman: “Việt Nam cho đến lúc này chưa được mời tham gia Bộ tứ, vì các quốc gia thành viên Bộ tứ là các nền dân chủ trong khi Việt Nam là một thể chế độc tài xã hội chủ nghĩa”. Dù có những sự gắn kết chiến lược với các thành viên của Bộ tứ, vấn đề nhân quyền là một vấn đề hết sức gay cấn với những nhà cầm quyền hiện nay. Tiếp đó là mối quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam được cho là thận trọng trong việc công khai ủng hộ liên minh này vì theo giới quan sát, Hà Nội không muốn làm điều gì để Bắc Kinh có thể hành động “trừng phạt”. Vậy là vấn đề “nhân quyền” gắn liền với vấn đề “sợ Trung Quốc”, nói tế nhị hơn là không muốn làm phật lòng Trung Quốc “người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN” với ông Trọng. Đã đến lúc những bộ óc thức thời phải có một cái nhìn mới, khéo léo và linh hoạt vượt ra khỏi cái bóng đen của Trung Quốc, đang bị cô lập trên thế giới. Gần đây, trước sự chỉ trích gay gắt của các đối tác, Trung Quốc đang bị động phản ứng lại bằng đường lối ngoại giao “chiến lang” khiến cho siêu cường hung đồ này càng nhận thêm sự nghi ngờ và ghét bỏ.



Một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (ISEAS) của Singapore công bố hôm 10/2/2021 cho thấy tỷ lệ tín nhiệm của người dân Đông Nam Á đối với Trung Quốc đã "lao dốc", xuống còn 38,5% thay vì 46,6% cách đây đúng 1 năm. Tệ hơn, có tới 62,4% những người được hỏi bày tỏ lo ngại khi thấy Trung Quốc quân sự hóa các hải đảo ở Biển Đông và đánh giá đó là những hành động “hung hăng”. Cũng đa số những người được tham khảo ý kiến tỏ vẻ lo ngại trước việc Trung Quốc xâm chiếm thềm lục địa và các vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực Biển Đông. Đối với riêng người Việt Nam thì đa số rất lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc; 90.4% lo ngại về ảnh hưởng kinh tế (ASEAN = 72.3%) và càng lo ngại về ảnh hưởng chính trị và chiến lược của Bắc Kinh (97.7%) (ASEAN = 88.6%).


Trong khi đó số người Việt có thiện cảm và chào đón Hoa Kỳ tăng từ 76.7% năm ngoái lên 91.7% năm nay. Trong những vấn đề cụ thể như Biển Đông, thái độ chống Trung Quốc thân Hoa Kỳ của người Việt Nam càng thể hiện rõ: 76% người Việt lo ngại Trung Quốc quân sự hóa và hung hăng trên Biển Đông (ASEAN


= 62.4%); 84.6% người Việt phản đối Trung Quốc xâm lấn thềm lục địa và vùng


đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng ở Biển Đông (ASEAN = 59.1%).


Báo chí phương Tây theo rất sát cuộc điện đàm giữ hai Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung quốc ngày 20.4.2021. Giáo sư Carl Thayer nhận định: ''Ông Vương Nghị muốn nhắc Việt Nam rằng cánh đảng trong ĐCSVN sẽ mất vị thế nếu Việt Nam có tương quan quá chặt chẽ với Hoa Kỳ và mất đi sự ủng hộ của Trung Quốc. Còn Mark Buckton, một người chuyên theo dõi tình hình châu Á nhận định rằng ''Trong khi đó thì Hà Nội tiếp tục ngày càng tách xa [Bắc Kinh] hơn về cả quan điểm và kinh tế. Một nguồn tin của tôi


ở Việt Nam đã gọi những sự đảm bảo về 'tình hữu nghị' này của Vương Nghị chẳng gì hơn một cảnh báo với VN là phải tuân theo con đường Xã hội Chủ nghĩa.''


Chắc chắn rằng những đôi mắt không bị che kín bởi mớ giáo điều đã mốc meo đều thấy ra từ những con số ấy tâm trạng và khát vọng của nhân dân và mối đe dọa từ Trung Quốc nấp dưới chiêu bài Xã hội Chủ nghĩa, nhất là những người vừa nắm giữ những trọng trách quốc gia giữ được lời thề hết lòng phụng sự tổ quốc và nhân dân, muốn mở ra một con đường mới phát triển đất nước. Vì “chỉ có phát triển thì quốc gia mới tồn tại được, nền độc lập dân tộc mới gìn giữ được” [Vũ Ngọc Hoàng].


Phải chăng trong diễn biến của thời cưộc, trước một trật tự thế giới mới đang hình thành, Việt Nam phải linh hoạt nắm lấy thời cơ, khôn khéo và linh hoạt trong đường lối đối ngoại để có một vị thế mới trong quan hệ với Trung Quốc, giảm dần sự phụ thuộc, tận dụng những cơ hội mới vừa mở ra, tự lực vươn lên, tạo ra một sức mạnh nội sinh trên nền tảng của sự đổ i mới thể chế tương thích với phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Chớp lấy thời cơ có ý nghĩa cực kỳ quyết định.


Cái chữ “thời” quan trọng lắm. “Lạc nước hai xe đành bỏ phí, Gặp thời một tốt cũng thành công”7. Nguyễn Trãi là người luôn nói đến chữ “Thời”. Đọc “Quân trung từ mệnh tập” thấy ông sử dụng chữ “Thời” một cách linh hoạt và biến hóa tùy vào đối tượng và tình huống để nhấn mạnh rằng “Thời! Thời! Thực không nên lỡ”. Đó là lời trong thư dụ Vương Thông ra hàng, “Tôi từng xem Kinh Dịch 384 hào, mà cốt yếu là ở chữ “thời”, cho nên người quân tử theo thời thông biến, nghĩa chữ “thời” to tát làm sao…” để dẫn đến câu trên. Trong Thư gửi Tổng binh Thái Phúc lại viết “Kể ra kẻ sĩ, quý ở gặp thời, đạo quý ở thực hành”… Ngày xưa Bách Lý Hề ở Ngu thì nguy mất nước, mà sang Tần thì Tần nên nghiệp bá, Lý Tả Xa ở Triệu thì Triệu bị diệt, mà theo Hán thì Hán dấy nghiệp vương, nào phải là ở nơi này thì ngu mà ở nơi kia thì trí đâu. Chỉ là tại gặp thời hay không gặp thời mà nên thế”.


Trong Chu Dịch có hai quẻ là Bĩ và Thái. Quẻ Bĩ chỉ điều không thuận lợi, sự bế tắc. Quẻ Thái là thuận lợi, hanh thông. “Bĩ cực” thì “Thái lai”. Liệu có phải “Thời thế xấu đến sắp thành ra tốt” mà nhà thơ Việt Phương đã viết? Quả đúng như lời của Nguyễn Trãi :


Thời! Thời! Thực không nên lỡ.


   Mời xem thêm »



© Gs Tương Lai
    viet-studies
Chú thích:
- Hồ Chí Minh Toàn Tập, Tập 5, tr 60
- Vũ Ngọc Hoàng. Đi tìm sự khác nhau giữa kinh tế thị trường XHCN và TBCN.. 20.10.2020
- Báo Thanh Niên 29.3.2021
- TUỔI TRE ONLINE 07/11/2017.
- Hồ Chí Minh Toàn Tập, Tập 4, tr 56
- Nguyễn Quang Dy. Tuần trăng mật của Biden: Vai trò Bộ Tứ và Xoay trục .
- Hồ Chí Minh. “Học đánh cờ”. Nhật Ký Trong tù
- Ngày 22.4.2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad